Để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân, nhiều cấp ủy Đảng, địa phương ở TPHCM đã có những mô hình, cách làm đạt hiệu quả cao. Trong đó, nhiều đảng viên bằng sự nhiệt huyết, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, kiên trì thuyết phục để người dân đồng tình, ủng hộ, góp công, góp của xây dựng khu phố sạch đẹp, xóa hộ nghèo, nâng cao mức sống cho những gia đình khó khăn…
Chuyển hóa điểm đen ô nhiễm môi trường
Năm 2017, được điều động từ Thanh tra quận Gò Vấp chuyển về phường 14 nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy phường, chị My Thư đã “sốc” trước cảnh từng ụ rác thải tồn tại khắp nơi. Là phường đi lên từ nông nghiệp, nhiều khu đất bỏ hoang lâu ngày đã trở thành điểm tập kết rác thải khắp nơi đổ về. “Chỗ nào cũng rác, có nơi chất cao như núi, tồn tại nhiều năm, chủ yếu dọc bờ kênh Tham Lương và phía sau khu chung cư Khang Gia. Nhiều con hẻm ngập ngụa rác không thể đi lại được. Rác thải ở đây đủ loại, từ rác cồng kềnh đến rác thải công nghiệp”, chị Thư nhớ lại. Cũng theo chị Thư, trong các cuộc họp giao ban 11 khu phố và khi tiếp xúc với người dân, có đến hơn 90% ý kiến nói về rác và kiến nghị phải sớm chuyển hóa các điểm ô nhiễm nghiêm trọng này.
Tháng 10-2017, Đảng ủy phường ra Nghị quyết 108-NQ/ĐU về “Lãnh đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường” (Nghị quyết 108). Mục tiêu đưa ra là tập trung vận động các nguồn lực tham gia chương trình bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư, các điểm thường xuyên tập kết rác. Phấn đấu cơ bản xóa các điểm thường xuyên tập kết rác, ô nhiễm môi trường, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi tại các khu đất trống…
Nghị quyết được triển khai đến từng cấp ủy Đảng, đảng viên và các đoàn thể chính trị, xã hội 11 khu phố. Mỗi chi bộ Đảng, mỗi tổ chức chính trị, xã hội đề ra chương trình hành động riêng cho từng địa bàn của mình, với phương châm: “Lấy sức dân xóa các điểm đen về rác và ô nhiễm môi trường”. 7 khu vực trọng điểm ô nhiễm trên toàn phường được xác định xóa trước. Hơn 300 đảng viên và hàng ngàn hội viên các đoàn thể chính trị, xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động từng hộ dân góp sức, góp của làm sạch môi trường.
Thấy quyết tâm và cách làm quyết liệt của phường, người dân khắp nơi đồng tình, ủng hộ. Những khu đất làm nơi chứa rác được chủ đất tự nguyện thuê phương tiện chuyển đến khu xử lý tập trung, nhiều doanh nghiệp góp tiền lại thuê lao động san lấp mặt bằng trống, làm đường, trồng hoa, cây cảnh, mỗi nhà tự phân loại rác đưa đi đổ đúng nơi quy định, lắp đèn chiếu sáng, lắp camera giám sát môi trường… Tổng giá trị đóng góp từ người dân và doanh nghiệp, như chị Thư nói, lên đến hàng tỷ đồng, chính quyền không tốn một đồng ngân sách. Điều bất ngờ là chỉ một thời gian ngắn, 7 điểm đen về rác được xóa bỏ, các tuyến hẻm nối các khu phố được thông thoáng, nhiều khu vui chơi, công viên cây cảnh được dựng lên dọc kênh Tham Lương và những khu đất trống trước kia là nơi tập kết rác.
Mỗi đảng viên một việc làm giúp dân
“Ông Hai ơi, ra nhận thực phẩm nè. Nay có cá lóc, khổ qua tươi, ngon lắm ông”. “Tưởng nay không có, tính nói bả nấu mì gói ăn tạm. Cám ơn các con nghen”. Trao phần thực phẩm cho ông Hai, anh Nguyễn Kim Tùng còn dặn với: “Mai con mang thịt, trứng ông kho ăn nghen”. Rẽ sang hẻm 196 Minh Phụng, anh Tùng và các đảng viên Chi bộ Khu phố 5 ghé vào nhà bà Hường hỏi thăm: “Nay dì khỏe chưa? Có gì báo tụi con đưa đi bệnh viện khám nghen. Mà dì nhớ mấy ngày này hổng có ra đường à nghe”…
Những ngày cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, người dân phường 6 (quận 6) thường thấy những cán bộ, đảng viên phường và các khu phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỏi thăm, động viên người dân và trao những phần thực phẩm đến các trường hợp neo đơn, già yếu, hộ nghèo. Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy phường 6 Nguyễn Huy Thắng chỉ tay sang đảng viên trẻ tên Tùng, giới thiệu: “Đây, tác giả của những phần thực phẩm ấy đây”. Anh Tùng cho chúng tôi biết, lúc đầu chỉ có mấy đảng viên trẻ ở khu phố tham gia, hàng ngày gom góp tiền đi mua gạo, thực phẩm rồi mang đến các hộ nghèo. Sau, việc làm này được lan sang nhiều khu phố khác với khoảng hơn 50 đảng viên và hội viên các đoàn thể tham gia, hàng ngày lo bữa ăn cho hơn 60 hộ nghèo, neo đơn trong phường.
Một điển hình khác của những việc làm giúp dân được Bí thư Nguyễn Huy Thắng giới thiệu chúng tôi là đảng viên Phạm Văn Khá, năm nay đã 80 tuổi nhưng rất tích cực chăm lo, giúp đỡ người dân trên địa bàn bằng mô hình nuôi heo đất. “Đây, ông chủ trại heo Phạm Văn Khá đây”, Bí thư Huy Thắng nói. “Tháng trước mở hội thu heo đất được hơn 40 triệu đồng. Cuối năm phấn đấu vài chục triệu nữa”, ông Khá hồ hởi nói. “Anh đã nuôi được bao nhiêu con heo rồi?”, chúng tôi hỏi. Ông Khá nói: “Từ 2018 đến nay được hơn 10.000 con rồi, mỗi năm khoảng 4.000 con. Số tiền thu được từ nuôi heo đất mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng, dành lập quỹ khuyến học tặng học bổng cho các học sinh - sinh viên nghèo từ mẫu giáo đến đại học. Mà không phải mình tôi làm đâu, của mấy chục đảng viên trong chi bộ nuôi heo đất và vận động nhiều hộ dân cùng nuôi mới được như thế đấy”. Cũng theo ông Khá, ở Chi bộ Khu phố 5 còn có đảng viên 50 năm tuổi đảng Châu Kim Loán, mỗi năm vận động được hơn 100 hộ nuôi heo đất, tặng học bổng cho học sinh và mua quà tặng hộ nghèo…
Theo Bí thư Đảng ủy phường 6 Nguyễn Huy Thắng, những việc làm nghĩa tình giúp dân kể trên là kết quả hoạt động của các chi bộ khu phố thực hiện nghị quyết “Lắng nghe và phục vụ” của Đảng ủy triển khai từ năm 2018. Đảng bộ trước kia có 15 chi bộ, sau giải thể chi bộ cơ quan, giờ còn 14. Trong kế hoạch thực hiện nghị quyết, Đảng ủy có chủ trương đưa toàn bộ đảng viên khối cơ quan phường về các chi bộ khu phố gắn với dân, và đăng ký mỗi đảng viên một việc giúp dân. Anh Thắng nhẩm tính: “Đảng bộ có hơn 300 đảng viên, tính ra mỗi năm có hơn 2.000 việc làm giúp người dân ở địa bàn, từ chăm lo từng bữa ăn, phần quà cho hộ nghèo, suất học bổng cho học sinh, đến các công trình sửa nhà, mở rộng hẻm, chăm sóc cây xanh, giữ vệ sinh môi trường…”. Ở cấp phường, anh Thắng cho biết, cứ 2 tuần một lần, vào chiều thứ sáu, Thường trực Đảng ủy, UBND, HĐND chia nhau xuống các khu phố để nghe những phản ánh, kiến nghị của dân, sau đó lên kế hoạch giải quyết. Bằng cách này, từ năm 2019 đến nay, Đảng ủy phường đã tiếp nhận được hơn 200 ý kiến phản ánh của người dân. Nhiều nội dung phản ánh được biến thành nghị quyết, chương trình hành động của Đảng ủy phường và các chi bộ, trong đó có hàng ngàn việc làm giúp dân mà chúng tôi kể ở trên.