Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực
Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực (APC) là phương pháp đào tạo tiên tiến được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, cho phép các giáo viên tự hoàn thiện năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm thông qua việc tiếp thu các công cụ và phương pháp mới để cải thiện chất lượng đào tạo.
Trong Hội thảo “Nâng cao năng lực giảng dạy theo phương pháp APC cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp” (tổ chức tại TDC ngày 17-9), ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngoài các yếu tố như đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị nhà trường thì đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò then chốt, quyết định.
Trong nhiều năm, thông qua hoạt động “Học kỳ doanh nghiệp” (cử giáo viên đi làm việc tại doanh nghiệp trong các hợp tác cụ thể để nắm bắt yêu cầu thực tế và áp dụng vào đổi mới giảng dạy, biên soạn chương trình), Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã bồi dưỡng, tuyển dụng được nhiều giảng viên đáp ứng được yêu cầu mới, thậm chí tiếp nhận các giảng viên từng làm việc tại các doanh nghiệp để về trường giảng dạy theo đúng chuyên môn được đào tạo và từng trải nghiệm công việc thực thụ để có những bài giảng sinh động như chính môi trường làm việc .
Thu nhập của cựu sinh viên từ 10 - 13 triệu đồng/ tháng
Năm học 2018 – 2019 là năm học thứ 3 Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo và phát triển ngành học...
Đến nay, nhà trường đã triển khai đào tạo 37 ngành, trong đó có 23 ngành bậc Cao đẳng và 14 ngành bậc Trung cấp với tổng số trên 10.000 sinh viên và là một trong những đơn vị được chọn để phát triển thành trường trọng điểm của TPHCM, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á.
Sự phát triển mạnh mẽ trên dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhà giáo, tạo tiền đề để đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và nhu cầu của xã hội. Nhiều người từng là doanh nhân hoặc cán bộ, nhân viên tại các doanh nghiệp lớn được mời về trường làm giảng viên và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện 100% lứa sinh viên đầu tiên của ngành Quản lý siêu thị có việc làm đúng chuyên ngành và hiện nhiều người đảm nhiệm chức vụ trưởng các bộ phận với mức thu nhập từ 10 đến 13 triệu mỗi tháng là rất đáng mừng. Tuy nhiên, giáo viên cũng nhận thấy, để đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp thì không chỉ xuất phát từ phía nhà trường mà sự cố gắng, nỗ lực của người học có vai trò quan trọng, quyết định đến thành công trong nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Học sinh sinh viên cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết (như tác phong, ngoại ngữ, khả năng chịu các áp lực công việc...) bởi nhà trường không thể tạo ra được các áp lực giống như môi trường doanh nghiệp để sinh viên trải nghiệm.