Ngày 17-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội" trên địa bàn thành phố. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Thái Thị Bích Liên, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM…
Báo cáo đề dẫn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, TPHCM là đô thị lớn, là địa điểm trú đóng của nhiều cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước; là nơi diễn ra và chịu tác động trực tiếp, nhiều chiều từ các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của cả nước, cũng như khu vực và quốc tế.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là internet và mạng xã hội đã trở thành phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu, độc, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
“Tất cả các yếu tố này tác động không nhỏ đến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có công nhân, viên chức, người lao động, đồng bào dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn thành phố. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội một cách kịp thời, hiệu quả, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân”, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.
Theo đồng chí, trong những năm qua, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn thành phố đã được các cấp ủy quan tâm, từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, khách quan. Từ đó, giúp cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin nhằm nhận định, đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn tại thành phố thì công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, như chưa được phân tích và hệ thống thành hệ cơ sở dữ liệu có tính xác thực, phát hiện, dự báo và đảm bảo độ tin cậy cao nhằm phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư, công tác nắm bắt dư luận xã hội tiếp tục được củng cố, phát huy nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia vào các công việc của Đảng bộ và chính quyền thành phố, địa phương, đơn vị.
Việc tiếp xúc với người dân, đặc biệt là thông qua các cuộc khảo sát, điều tra, thăm dò dư luận xã hội là kênh để người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp giải pháp phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của các cấp ủy đảng và chính quyền, phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để đẩy mạnh hơn trong thực hiện Kết luận 100, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi xoay quanh 4 nội dung trọng tâm.
Trong đó, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự vào cuộc, phối hợp hoạt động của các cấp, các ngành, các lực lượng trong nắm bắt dư luận, tâm trạng xã hội, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phòng chống âm mưu, chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhất là thông tin xấu độc trên internet hiện nay.
Cùng với đó, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, những kinh nghiệm rút ra, cũng như thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Kết luận 100.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã thông tin về các giải pháp triển khai thực hiện Kết luận 100.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn cho biết, công tác nắm dư luận xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đang được thực hiện với các phương pháp: Xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp; sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại; phân tích, đánh giá dư luận.
Đối với định hướng dư luận, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tập trung vào việc tuyên truyền, đẩy mạnh lan tỏa các thông tin chính thống, tích cực trên phương tiện truyền thông đại chúng theo nguyên tắc “làm mẫu dư luận xã hội”.
Hiện nay, dư luận xã hội rất đa dạng, phức tạp, khó nắm bắt và định hướng. Thông tin trên mạng xã hội phát triển nhanh chóng, dễ dẫn đến lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân vẫn còn chậm trễ. Điều này làm cho nhiều người không muốn tiếp tục chia sẻ thông tin với MTTQ, chính quyền...
Đồng chí Ngô Thanh Sơn kiến nghị lãnh đạo TPHCM quan tâm chỉ đạo để các đơn vị liên quan có trả lời hoặc sớm trả lời, nhất là các vấn đề bức xúc, tồn đọng để không xảy ra điểm nóng.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, là một đô thị đặc biệt, chịu tác động trực tiếp, nhiều chiều từ các vấn đề, sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, TPHCM luôn là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Trước tình hình này, đòi hỏi Đảng bộ Thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội; tiếp tục chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo các hình thức, giải pháp nhằm tăng cường chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội; nhất là nắm bắt tâm tư, tình cảm, kỳ vọng của nhân dân thành phố. Qua đó, khơi dậy sức mạnh từ nhân dân trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khát vọng của thành phố.
Tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đạt được và tập trung khắc phục hạn chế, thiếu sót, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu, thường trực cấp ủy các đơn vị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội. Đặc biệt xem trọng công tác nắm tình hình dư luận xã hội đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân và đời sống xã hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội, góp phần giúp các hoạt động tư tưởng bám sát và phục vụ thực tiễn cuộc sống của người dân; nắm bắt và tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
“Việc nắm bắt, cung cấp thông tin, định hướng thông tin dư luận không phải đi từ những cái cấp ủy, chính quyền đang có, mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân”, đồng chí lưu ý.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động vận dụng các phương pháp khoa học, phù hợp và phát huy tối đa các lực lượng cùng tham gia nắm bắt, phản ánh, định hướng và dự báo dư luận xã hội.
Toàn Đảng bộ thành phố đang tập trung nhiều hoạt động tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, đây là giai đoạn đòi hỏi công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, nhân dân phải nhanh nhạy, hiệu quả hơn; đặc biệt trong chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người dân, nhất là các nhóm yếu thế. Do đó, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác này; đồng thời, chỉ đạo việc nắm tình hình, phản ánh dư luận xã hội thường xuyên, liên tục, có hiệu quả, tránh để bị động.