Phát biểu tại hội nghị ở đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất hiện nay là tìm giải pháp đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Cùng đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và tiến tới ngày càng có tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, kinh tế hợp tác phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu; cơ sở vật chất nghèo nàn; trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX. Việc thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số chính sách chưa được thực hiện như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng hoặc thực hiện chưa hiệu quả; nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ kinh tế tập thể chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, HTX muốn mạnh cần phải tập trung vào khoa học công nghệ, nhất là thể hiện sự chủ động đối với sự cải cách và đổi mới. HTX áp dụng những công nghệ tiên tiến mang lại lợi ích lớn cho khu vực nông thôn, do đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức đầy đủ vai trò của HTX trong phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, cần xác định vị trí quan trọng của HTX trong các chương trình nông nghiệp nông dân và nông thôn, nhất là trong phát triển nông thôn mới và các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Ảnh: VIẾT CHUNG
Đầu cầu TPHCM có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, dù có tới 57% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả - tỷ lệ này là 50%-80% trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nhưng chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm nhiều đến kinh tế hợp tác. Do vậy cần rà soát, đánh giá lại thể chế, luật pháp đối với kinh tế hợp tác, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cả tổ hợp tác; vấn đề xử lý tài sản không chia; trách nhiệm phát triển HTX của các thành viên và của doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực quản trị HTX…
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, đến nay cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác (tăng 0,58% so với năm 2003). Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của khu vực HTX nói riêng và kinh tế tập thể nói chung vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình chỉ đạt khoảng 4%.