Thời nào cũng vậy, công tác cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng. Chẳng thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém. Đảng ta coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Theo đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt. Rất đúng khi nhiều người cho rằng, cán bộ nào quan điểm ấy, cán bộ nào đường lối đó, cán bộ nào phong trào đó.
Đảng ta đã ra nhiều văn bản liên quan đến vấn đề cán bộ, từ nghị quyết của đại hội - một sinh hoạt chính trị lớn nhất với quy mô toàn Đảng; rồi sau đó có hàng loạt nghị quyết của Hội nghị Trung ương, những quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đội ngũ cán bộ, từ việc luôn khẳng định Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; xác định tiêu chuẩn cán bộ; đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quy định những điều đảng viên không được làm, nhận diện suy thoái và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống chạy chức, chạy quyền; đề ra cơ chế kiểm soát quyền lực; xử lý kỷ luật không có vùng cấm...
Vừa qua, công tác cán bộ của chúng ta đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương bất thường đã họp và xem xét nội dung công tác nhân sự liên quan đến ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam. Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự, kiện toàn các vị trí liên quan.
Trước đó là những trường hợp như ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… cũng đều được Đảng, Nhà nước xử lý đồng bộ, kịp thời theo nguyên tắc có vi phạm phải xử lý và kiện toàn ngay nhân sự thay thế. Đây là điều mà nhân dân rất quan tâm.
Trong thời điểm của năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới và đồng bộ hơn, trước hết phải khắc phục cho được 4 biểu hiện: nói nhiều làm ít; nói hay làm dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo. Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa công tác cán bộ, chú ý “có vào, có ra, có lên, có xuống” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Ngoài việc coi không có vùng cấm, còn cần chú ý hơn nữa việc đồng bộ hóa xử lý cả trong toàn hệ thống chính trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng quyền lực của cán bộ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt.
Cần chú trọng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ; đánh giá phải thật sự công minh; chú trọng huấn luyện cán bộ, huấn luyện một cách thiết thực, có hiệu quả; phải coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; đề bạt đúng cán bộ; phải chú ý những người rất trung thành với Đảng và hăng hái trong công việc; những người có quan hệ mật thiết với nhân dân; những người có tinh thần phụ trách trước công việc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo; những người giữ đúng kỷ luật. Mặt khác, phải sắp xếp, sử dụng cán bộ cho đúng; tránh tạo ra loại cán bộ “nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách”. Phải kết hợp “cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương”; hai loại cán bộ này phải giúp đỡ nhau, đoàn kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa. Chống bệnh địa phương cục bộ - đây là căn bệnh ích kỷ, không muốn cấp trên điều động cán bộ. Kết hợp cán bộ trẻ với cán bộ cũ.
Một điều quan trọng nữa là phải phòng và chống các tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó có bệnh hẹp hòi, ham danh vọng và địa vị, lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra. Chống việc “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ cán bộ; sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ; hễ thấy cán bộ sai là phải lập tức sửa chữa ngay...