Những con số được các địa phương thống kê gần đây cho thấy, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc đang nhiều lên.
Theo Sở Nội vụ TPHCM, năm 2021 có hơn 2.100 người nghỉ việc; trong 6 tháng qua, TP Đà Nẵng đã ghi nhận gần 400 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; 3 năm trở lại đây, Đồng Nai có khoảng 2.000 người nghỉ việc…
Còn theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã ghi nhận gần 10.000 viên chức xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc đã được đưa ra thảo luận nhiều năm qua và đề xuất nhiều giải pháp nhưng chưa mang lại hiệu quả. Đợt cao điểm nghỉ việc vừa qua phần lớn trong ngành y tế, giáo dục do chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 bùng phát.
Điều đó cho thấy, cơ chế, chính sách chậm được thay đổi khiến đội ngũ 2 ngành này có nhiều xáo trộn. Qua đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, viên chức nghỉ việc, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là lương thực nhận thấp, không có cơ hội để tăng thêm thu nhập; cùng với đó, năng lực không được ghi nhận và cảm thấy khó thăng tiến trong hệ thống công lập.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất tích cực đưa ra các giải pháp để từng bước khắc phục hạn chế, nâng mức sống của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động lên một tầm mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mức sống hiện nay, khi mà giá cả và mức sống ở thành phố ngày một cao.
Bên cạnh những giải pháp như cắt giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức (tinh giản biên chế) để đảm bảo quỹ lương trong điều kiện quỹ lương không tăng, thì cũng cần có cơ chế trợ cấp cho những người thực làm. Bên cạnh đó, có thể thí điểm đấu thầu dịch vụ công để tư nhân tham gia, từ đó giảm số lượng đội ngũ hưởng lương nhà nước.
Ngoài các cơ chế chính sách thỏa đáng để “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức ra, cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Nhân thực trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc như hiện nay, các cấp, ngành cần coi đó là cơ hội, xác định là dấu hiệu tích cực để đổi mới mạnh mẽ hoạt động công vụ, tạo điều kiện cho đội ngũ đang cống hiến có chế độ lương, đãi ngộ tiệm cận hoặc tương đồng với khu vực tư.