Đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút nhân tài

Chiều 10-11, trong chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại tổ, góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 10-11. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 10-11. Ảnh: VGP

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm, đặc biệt là chính sách thu hút để những người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng.

Khẳng định chủ trương chống tham nhũng ở cấp Trung ương là đúng, song Thủ tướng lưu ý hiện nay đã phân cấp rất mạnh cho địa phương về nguồn lực, tài lực, nhân lực. “Vì thế, chính các tỉnh, thành phố phải trong sáng. Thái độ thực hiện nghiêm túc thì đất nước mới phát triển, người dân mới có niềm tin”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động phải được xử lý nghiêm, quyết liệt ngăn chặn, không dung túng.

Tại tổ ĐB Quốc hội TPHCM, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, quy mô từ nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, các cân đối lớn đều được đảm bảo và đó là kết quả của cả một quá trình điều hành khá ổn định. “Khi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín như hiện nay thì đó là thành tựu của cả một quá trình”, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh. Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoăn về những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn tới. “Đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%-7%/năm cho cả giai đoạn thì hơi khó và có lẽ nên tách riêng 2 năm 2021 và 2022”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa ghi nhận một điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo là phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã mở rộng thêm “dân thụ hưởng” và đề nghị cụ thể hóa điều này để người dân được thụ hưởng một cách công bằng và xứng đáng những thành quả đạt được từ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, ĐB Tô Thị Bích Châu bày tỏ tâm đắc với nội dung xây dựng cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề này để đảm bảo cơ chế có thể vận hành tốt trong thực tiễn. 

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người như đề ra trong dự thảo văn kiện là rất thách thức (văn kiện nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp phát triển và năm 2045 thành nước phát triển cao, thu nhập đầu người đạt mức 25.000 USD). Trong khi trên thực tế, mức thu nhập bình quân hiện mới đạt 2.700 USD. “Có lẽ thay vì tập trung “thúc” tăng trưởng kinh tế thì nên chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, khi đó, người dân sẽ thụ hưởng nhiều hơn giá trị của phát triển. Theo hướng vậy, cần tập trung thể chế hóa quan điểm về đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, tư duy mới về việc làm”, ĐB Bùi Sỹ Lợi đề xuất.

Tin cùng chuyên mục