DEF đặt mục tiêu huy động được khoảng 500 triệu EUR (548 triệu USD) thông qua thu hút vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo đó, trong 4 năm tới, DEF sẽ tập trung vào các dự án phát triển công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực dân sự và quốc phòng. Việc thành lập DEF là một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường vai trò trong các quyết định về chính sách quốc phòng và kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.
DEF sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng quốc phòng và mở rộng hợp tác công nghiệp xuyên biên giới, qua đó giúp EU thúc đẩy cạnh tranh. Giới quan sát đánh giá đây là một bước đi quan trọng để xây dựng một châu Âu mạnh mẽ hơn. DEF ra đời trong bối cảnh tổng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên EU dự kiến trong năm 2023 là 270 tỷ EUR (296,08 triệu USD), tăng khoảng 30 tỷ EUR (32,9 triệu USD) so với năm 2022.
Thời gian qua, châu Âu liên tục tăng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng, nhưng các công ty sản xuất của khu vực không có nguồn cung cấp linh kiện, không có đủ vũ khí và hệ thống công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của EU và những mối đe dọa trong tương lai. Hơn nữa, EU cũng muốn đảm bảo lục địa không quá phụ thuộc vào các nước có nền công nghiệp quốc phòng lớn như Mỹ. Theo thống kê, lượng mua các mặt hàng liên quan quốc phòng từ các nước ngoài EU chiếm 70% tổng lượng mua trong giai đoạn 2022-2023, trong đó 63% là từ Mỹ.
Do đó, đã xuất hiện những ý kiến chỉ trích trong nội khối, cho rằng mỗi thương vụ mua bán vũ khí đều làm suy yếu cơ sở công nghiệp quốc phòng của khối, tước đi thị trường cốt lõi của doanh nghiệp quốc phòng EU.