Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức

LTS: Đổi mới phương thức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những chủ trương được Chính phủ đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. Diễn đàn “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức” do Báo SGGP tổ chức tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

- TS HOÀNG VĂN PHÚC, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn:

Tạo điều kiện để những người có tài, có đức cống hiến

TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, bổ sung lực lượng cán bộ, công chức vào bộ máy chính quyền. Nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực đã được áp dụng, như đưa trí thức trẻ ra nước ngoài học tập, hỗ trợ tiền lương, nhà ở cho các nhà khoa học…

Ông Hoang Van Phuc.jpg

Thế nhưng, các biện pháp trên vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người tài, trí thức, nhà khoa học trẻ trong xã hội tham gia vào đội ngũ cán cán bộ, công chức thành phố. Chính vì thế, việc ban hành nghị định sửa đổi về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức sẽ tạo sự minh bạch, “sân chơi” bình đẳng cho nhiều thành phần, đối tượng trong xã hội tham gia. Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho những người có đức, có tài có cơ hội được đứng vào đội ngũ cán bộ, công chức để cống hiến phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

- ĐBQH PHẠM VĂN HÒA, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:

Cơ sở để xử lý kỷ luật hành chính

Tôi cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/ NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, là nhằm cụ thể hóa, đảm bảo thống nhất với quy định của Đảng về từ chức, miễn nhiệm, đặc biệt là những quy định về tiêu chuẩn, đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ông Pham Van Hoa.jpg

Vì vậy, các nội dung được nêu trong dự thảo, nhất là các quy định về những trường hợp từ chức, miễn nhiệm là không mới. Việc Bộ Nội vụ rà soát, chỉnh lý và thể chế hóa một số quy định của Bộ Chính trị mới ban hành; bảo đảm thống nhất với quy định của Đảng về từ chức, miễn nhiệm là rất cần thiết. Về mặt Đảng, chúng ta đã có quy định và thực hiện kỷ luật rất nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm. Tiếp theo đó là các bước tiến hành xử lý về mặt hành chính. Vì vậy, khi dự thảo này được thông qua sẽ là cơ sở để xử lý kỷ luật hành chính, bảo đảm tương xứng với xử lý kỷ luật về Đảng.

- Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY, Phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM

Công khai, minh bạch để đánh giá đúng cán bộ

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức khá phù hợp với thực tiễn hiện nay. Quy định xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp khá rõ ràng so với trước. Việc sửa đổi cho thấy chủ trương xem xét, trọng dụng người tài, đức được chú trọng hơn. Đây chính là yếu tố quyết định trong công tác xây dựng Đảng. Trước nay, cứ gần đến đại hội đảng các cấp, ở các địa phương, trung ương thỉnh thoảng lại có tin đồn thất thiệt, đơn tố cáo nặc danh đến vài cán bộ được đề cử vào cấp ủy, vị trí lãnh đạo. Nếu cơ quan nghiệp vụ không xác minh rõ ràng sẽ dẫn đến thiệt thòi.

Ông Viet Huy.jpg

Chúng tôi rất đồng tình với quy định miễn nhiệm khi cán bộ quản lý, lãnh đạo bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Tuy nhiên, vấn đề uy tín giảm sút cần quy định rõ thêm. Cụ thể, như việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng uy tín giảm sút thì cụ thể ra sao? Nên chăng cần có ý kiến của tập thể cán bộ, công chức của cơ quan, doanh nghiệp và có quy định số phần trăm đánh giá về uy tín của cán bộ quản lý, lãnh đạo.

- Ông TRẦN THƯỜNG, Đường Cây Keo, phường Tam Phú, TP Thủ Đức (TPHCM):

Lựa chọn được đội ngũ cán bộ vì nước, vì dân

Việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực tế đã có lúc ở không ít cơ quan, đơn vị nhà nước, việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức chủ yếu dựa vào cảm tính mà xem nhẹ trình độ chuyên môn.

ông Tran Thuong.jpg

Hậu quả là đã tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, không đáp ứng yêu cầu công việc, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Nghị định mới sẽ là chuẩn mực, thước đo để lựa chọn được những cán bộ, công chức không những có trình độ, năng lực cao mà có tinh thần vì nước, vì dân, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng vừa chuyên là một đòi hỏi tất yếu của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình phát triển.

Tin cùng chuyên mục