PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nội dung của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 có đưa ra các quy định về xem xét miễn nhiệm, cho thôi chức, các trường hợp xem xét từ chức của cán bộ, công chức. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?
Ông NGUYỄN TƯ LONG: Thời gian vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TƯ quy định về miễn nhiệm, từ chức; Thông báo số 20-TB/TƯ về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật… Các văn bản mới mở rộng căn cứ từ chức, miễn nhiệm.
Mục tiêu của nghị định là thể chế hóa đầy đủ quy định của Đảng về công tác cán bộ. Theo đó, từ chức là việc người có chức vụ chủ động đề nghị không tiếp tục giữ chức vụ được bầu, bổ nhiệm. Ví dụ, tôi thấy sức khỏe tôi không tốt, tôi thấy khối lượng công việc nhiều quá, áp lực và muốn từ chức xuống làm chuyên viên. Còn miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ là việc của tổ chức. Miễn nhiệm không phải là kỷ luật. Miễn nhiệm có 2 hình thức: miễn nhiệm theo quy định do có vi phạm; miễn nhiệm đối với các chức vụ, chức danh không có vi phạm, nhưng do quy định bắt buộc phải miễn nhiệm. Ví dụ, người có chức vụ do bầu cử và hoạt động chuyên trách, nay được điều động sang giữ vị trí khác, thì bắt buộc phải miễn nhiệm chức vụ. Do đó, quy định từ chức và miễn nhiệm có quan hệ với nhau.
Dự thảo nghị định đang xây dựng có điểm mới là, trường hợp không từ chức theo các căn cứ bắt buộc phải từ chức, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu đúng có căn cứ thì sẽ miễn nhiệm. Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn nếu đối chiếu thấy đúng trường hợp thì nên từ chức, còn nếu không chủ động, tự nguyện thì tổ chức vẫn có thể thực hiện miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ. Như vậy sẽ khuyến khích về tính tự giác, tự nguyện, đồng thời cũng có cơ chế về bảo đảm quyền lợi cho người tự nguyện từ chức.
Trong Dự thảo nghị định đã bổ sung các trường hợp để xem xét từ chức, phải chăng có điều khoản này là do thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm?
Thực ra, trong các quy định hiện hành đã tương đối đầy đủ nhằm xử lý các trường hợp đã rõ để thực hiện từ chức hoặc miễn nhiệm. Như tôi đã nói, từ chức là hành vi mang tính chủ động. Còn nếu cá nhân không từ chức thì tổ chức vẫn có cơ chế, vẫn có quy định để xử lý chức vụ của cá nhân đó. Tuy nhiên, qua thực tiễn, chúng tôi thấy cần mở rộng quy định làm căn cứ để miễn nhiệm, từ chức, chứ không phải vì không có quy định mà không thực hiện được việc từ chức hay miễn nhiệm.
Có ý kiến cho rằng, nên cân nhắc trường hợp công chức lãnh đạo để xảy ra sai phạm nghiêm trọng đến mức phải từ chức được hưởng chế độ bảo lưu?
Đây cũng là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ nội dung này khi báo cáo. Ý nghĩa của việc bảo lưu nói chung là nhằm mục đích khuyến khích người vi phạm từ chức, vì thực chất để giữ chế độ trong vòng 6 tháng tính ra cũng không nhiều. Còn nếu đã để miễn nhiệm thì sẽ không còn chế độ gì. Đây cũng là quy định hiện hành và thể hiện tính nhân văn.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trong đó đề nghị bỏ quy định từ ngày 1-8 chỉ tuyển dụng công chức với những người đạt kết quả kiểm định?
Nghị định số 06 có hiệu lực từ ngày 10-4-2023, tại điều 12 có quy định như trên. Bộ Nội vụ đã chủ động triển khai các công việc để thực hiện các nội dung được giao trong nghị định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, thủ tục thực hiện chủ trương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào trên phạm vi toàn quốc; quy mô và phạm vi tổ chức tương đối lớn. Do đó khối lượng công việc triển khai thực hiện là rất nhiều, cần có thêm thời gian để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Chúng tôi thấy, nếu giữ quy định này sẽ khó bảo đảm tính khả thi, và quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyền lợi của người dự tuyển.
Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ quy định trên, đồng thời làm rõ bỏ quy định nêu trên không có nghĩa là dừng việc kiểm định chất lượng đầu vào, mà Bộ Nội vụ vẫn sẽ triển khai các quy định tại Nghị định số 06. Trường hợp thí sinh dự tuyển nếu đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn sẽ được miễn dự thi vòng 1.
Xin cảm ơn ông!