Đổi mới giáo dục phổ thông: Bộn bề mối lo

Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến Chính phủ để báo cáo Quốc hội lùi thời gian thực hiện chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới. Với những vấn đề còn ngổn ngang như hiện nay thì việc lùi thời gian thực hiện có lẽ sẽ diễn ra.
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Hà Nội
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Hà Nội
Điều kiện triển khai chưa đủ

Theo lộ trình, chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019, tức là từ năm học sau. Tuy nhiên, với sự bề bộn, ngổn ngang hiện nay, nhiều địa phương đã liên tục kiến nghị lùi đến năm học 2019-2020 mới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), SGK đại trà, để đủ thời gian chuẩn bị. Thậm chí, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn đề nghị lộ trình thực hiện chương trình mới phải tính theo trường. Trường nào đủ điều kiện thì triển khai từ năm học 2019-2020, nơi nào chưa đủ thì chậm hơn. 

Theo ý kiến của nhiều địa phương, lo ngại lớn nhất trong triển khai chương trình mới nằm ở 2 vấn đề: đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị giáo dục. Điều kiện để đổi mới GDPT phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên nhưng hiện còn nhiều yếu kém: một bộ phận giáo viên ngại chuyển đổi từ cách dạy cũ sang cách dạy mới; giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ nhiều nơi. Trong khi đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nếu tổ chức dạy học tự chọn thì rất thiếu phòng học... Tất cả những điều đó sẽ gây nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới.

Trước những đề xuất lùi thời gian thực hiện, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết tinh thần của ban soạn thảo là vẫn quyết tâm làm đúng hạn (tức triển khai từ năm học 2018-2019). “Nhưng với ý kiến của người dân, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý nên lùi, thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT đang trình lên để Chính phủ báo cáo Quốc hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết. Đáng nói là ngay cả về vấn đề chương trình, hiện nay mới chỉ ban hành được chương trình tổng thể, còn chương trình bộ môn dự kiến đến tháng 10 mới đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của người dân.

Như vậy có thể thấy, thời gian không còn nhiều nếu thực hiện đúng lộ trình, trong khi nhiều vấn đề từ chương trình đến đội ngũ, cơ sở vật chất đều còn rất ngổn ngang…

Khó khăn về con người, kinh phí

Nói về việc chuẩn bị đội ngũ cho đổi mới GDPT, ông Nguyễn Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết cùng với giải pháp chuẩn hóa đội ngũ, đổi mới đào tạo nhân lực ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đang ráo riết triển khai thực hiện những giải pháp mang tính tổng thể và hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục những tồn tại bất cập của vấn đề này. “Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền để đội ngũ nhà giáo nhận thức sâu sắc về chủ trương đổi mới GDPT và vị trí của nhà giáo trong quá trình thực hiện. Bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới”, ông Minh cho hay.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29. Hiện nước ta có khoảng 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có khoảng 1 triệu giáo viên là viên chức, chiếm khoảng 52% tổng số viên chức của cả nước. “Chủ trương của Đảng, Nhà nước xác định vị thế của đội ngũ nhà giáo là rất quan trọng. Qua đề xuất của Bộ GD-ĐT, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, trong đó có một nội dung rất quan trọng về nhà giáo. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khẳng định vị thế, chế độ, chính sách, quyền hạn đối với nhà giáo một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết. 

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các  bộ ngành hữu quan báo cáo Chính phủ sớm có quyết định về chế độ cho giáo viên khi được điều chuyển sang cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Hiện nay, giáo viên khi được điều chuyển sang cơ quan quản lý giáo dục các cấp không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, gây thiệt thòi cho đội ngũ nhà giáo và cũng gây khó khăn cho công tác giới thiệu, bổ nhiệm nhà giáo có nhiều kinh nghiệm vào đội ngũ cán bộ quản lý. Đây là vấn đề mà vừa qua đội ngũ nhà giáo, sở GD-ĐT các địa phương và Bộ GD-ĐT rất quan tâm. 

Về vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay trên cả nước có gần 30% trường lớp là bán kiên cố, tranh tre nứa lá; tại nhiều nơi ở vùng biên giới, bãi ngang, vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn, thiếu thốn. Nhiều công trình trường học không được duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp. Bộ GD-ĐT đã rà soát và trình Chính phủ Đề án kiên cố hóa trường học, lớp học cho giáo dục mầm non và phổ thông, các bộ ngành cũng nhất trí. Tuy nhiên việc cân đối ngân sách còn gặp rất nhiều khó khăn. “Khi Đề án kiên cố hóa trường lớp cho giáo dục mầm non và phổ thông được phê duyệt, có kinh phí thì Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các địa phương để triển khai, khắc phục tình trạng khó khăn cơ sở vật chất trường lớp học. Phương châm là Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng chung tay góp sức đầu tư cho giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

* Thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy trong trường học

Sở GD-ĐT TPHCM vừa xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Theo đó, mỗi đơn vị phải thành lập Ban chỉ đạo PCCC vào mỗi đầu năm học. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm chủ động phối hợp với cảnh sát PCCC tổ chức các buổi tập huấn, kiểm tra cơ sở vật chất thực hiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức kiểm tra các phòng chức năng, phòng học trong nhà trường, nhằm phát hiện kịp thời thiếu sót để có biện pháp khắc phục, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giả định, xử lý tình huống có nguy cơ cháy nổ cao, phức tạp, định kỳ ít nhất 1 lần/năm. 

Riêng trong các hoạt động hội trại, lễ hội và giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường phải lên kế hoạch đảm bảo tránh xảy ra rò rỉ điện, cháy nổ, đảm bảo an toàn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên khi tham gia. Thường xuyên kiểm tra hóa chất sử dụng trong phòng thí nghiệm, bố trí đội ngũ giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm quản lý phòng thí nghiệm, quán triệt việc không để xảy ra tai nạn cháy nổ, thương tích trong tiết học thí nghiệm điện, hóa chất. Bên cạnh đó, trường học cần chú ý làm bảng chỉ dẫn lối thoát hiểm, cầu thang bộ, cửa thoát hiểm dễ thấy, dễ đọc bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, không khóa cửa cầu thang bộ, lối thoát hiểm khi có giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên đang học tập và sinh hoạt tại trường.
MINH QUÂN

* Xử phạt 34 trung tâm ngoại ngữ, tin học

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong năm học 2016-2017, sở đã kiểm tra, xử lý 24 cơ sở tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, tin học không phép, có văn bản yêu cầu khắc phục sai phạm đối với 10 cơ sở không thực hiện đúng nội dung chương trình giảng dạy, thực hiện không đầy đủ hồ sơ chuyên môn, sử dụng lao động người nước ngoài không đúng quy định và tổ chức quảng cáo, bảng hiệu không phù hợp. 

Tính đến tháng 7-2017, toàn thành phố có 606 trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong đó có 408 trung tâm chuyên dạy ngoại ngữ, 17 trung tâm dạy tin học và 181 trung tâm tổ chức cả 2 loại hình trên. Tuy nhiên, hoạt động nâng cao chất lượng chuyên môn tại các đơn vị chưa đồng đều, số lượng và chất lượng nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ ngoại ngữ còn hạn chế, chưa tạo được nhiều cơ hội cho người học rèn luyện kỹ năng, công tác quản lý còn thiếu khoa học, thiếu đầu tư từ các chủ trường…

THU TÂM
* Chương trình tiếng Anh tích hợp không được gây quá tải cho học sinh

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp năm học 2017-2018 đối với các trường tiểu học trên địa bàn TP. Theo đó, trong quá trình thực hiện cần đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục Việt Nam kết hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục Anh quốc, đảm bảo việc dạy và học theo phương pháp tích hợp không gây xáo trộn việc học tập của học sinh, đồng thời duy trì tính ổn định, thống nhất, kế thừa giữa các cấp học. 

Đối với môn Toán, 2 chương trình giáo dục Anh quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, hướng đến mục tiêu kết nối kiến thức và kỹ năng, giúp học sinh quan sát trình bày, hình thành khái niệm, công thức toán học. Do đó, giáo viên lưu ý không dạy lại phần trùng lắp, không tăng thêm lượng bài tập cho học sinh. Thay vào đó, giáo viên nên khai thác hình ảnh trực quan có trong sách giáo khoa để hướng dẫn học sinh lĩnh hội kiến thức mới, chú ý các dạng toán điển hình trong chương trình lớp 4 vì trong chương trình tích hợp không có những dạng toán này. Đối với môn Khoa học, đặc trưng môn Khoa học lớp 1, 2, 3 của chương trình tích hợp khác đặc trưng bộ môn tự nhiên và xã hội của chương trình Việt Nam, nên giáo viên phải chủ động bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là các nội dung về giáo dục sức khỏe.
THANH THU

Tin cùng chuyên mục