* PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, câu chuyện đổi mới giáo dục vẫn còn nhiều bộn bề. Khép lại năm 2023, năm 2024 ngành giáo dục sẽ tiếp tục vấn đề này ra sao?
* Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Nhìn tổng thể, năm 2023 toàn ngành GD-ĐT đã đồng lòng, dốc sức cho sự đổi mới một cách bản lĩnh, nhất quán để tiếp nối những gì đã làm được trong giai đoạn trước và ra sức phấn đấu ở chặng đường tiếp theo.
Năm 2024, rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng chúng tôi xác định nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới. Đối với việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, khi việc tổng kết được hoàn thành, Bộ Chính trị ban hành kết luận mới, năm 2024 sẽ là năm triển khai những nội dung mới theo kết luận của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm chúng tôi dự kiến tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
Năm 2024, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, phải triển khai các giải pháp để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy những môn học mới; tăng cường chính sách hỗ trợ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho các khu vực còn có nhu cầu cao. Đây cũng là năm mà ngành giáo dục tập trung chuẩn bị cho chương trình giáo dục mầm non mới, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, chúng tôi mong muốn toàn ngành sẽ cùng bước vào năm 2024 với tinh thần “bản lĩnh - thực tiễn - chất lượng - lan tỏa”. Đổi mới trong giáo dục không bao giờ là dễ dàng và luôn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, đòi hỏi ngành giáo dục phải thể hiện được bản lĩnh, sự nhất quán để xã hội đặt niềm tin. Trong thời kỳ đổi mới, chuyển đổi, phải lắng nghe thực tiễn, quan sát thực tiễn để có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp.
* Bộ trưởng quan tâm đến nhiệm vụ trọng tâm nào của ngành giáo dục trong năm 2024?
* Chúng tôi đã xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm 2024, trong đó có tập trung triển khai xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Quốc hội. Kỳ vọng, dự án luật này sẽ là cơ hội để đưa ra những chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, bộ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục mầm non; tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025...
Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để từng bước khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là đối với môn học mới, môn học tích hợp; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục. Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* Bộ GD-ĐT có đề xuất gì cho chặng đường đổi mới tiếp theo?
* Đổi mới giáo dục khác với các lĩnh vực khác. Đó là cần có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được kết quả một cách đầy đủ. Cho nên, trong chặng đường phía trước, điều cần thiết phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần một số cái “đủ”. Thứ nhất, đủ mức độ quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương; đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa. Thứ hai, đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 đã tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra. Thứ ba, đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: đủ nguồn lực về con người (giáo viên), đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, đủ lớp, đủ trang thiết bị. Có đầy đủ như thế, kết quả đổi mới mới như kỳ vọng và đạt được kết quả lớn hơn nữa trong tương lai.
* Nhân dịp xuân mới, Bộ trưởng gửi gắm gì tới giáo viên, học sinh, phụ huynh?
* Đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng, luôn đầy những khó khăn, thử thách. Trước thềm năm mới, mong các thầy, các cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, vinh quang rất lớn nhưng khó khăn, thách thức còn rất nhiều.
Toàn ngành giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới. Tôi xin chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khỏe, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực.