Tôi công tác trong ngành giáo dục nhiều năm và có cơ hội tiếp cận nền giáo dục một số nước nên xin được đóng góp vài ý kiến cho việc đổi mới giáo dục mà chúng ta đang thực thi.
Cần tính toán đến việc sáp nhập trường cấp II-III thành trường THPT. Nhiều nước chia hệ thống phổ thông có 2 cấp: tiểu học 6 năm và trung học 6 năm. Việc sáp nhập sẽ tạo cho nhà trường có điều kiện xây dựng sân chơi, bãi tập thể dục thể thao, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng công nghệ, nhà đa năng… để học sinh (HS) có đủ điều kiện phát huy trong học tập, sinh hoạt, năng khiếu văn nghệ - thể thao và rèn óc sáng tạo. Đặc biệt, việc này góp phần làm giảm bớt áp lực nặng nề từ kỳ thi chuyển cấp lớp 9, tuyển sinh vào lớp 10 như hiện nay.
Các sở GD-ĐT địa phương nên thành lập trường phổ thông thân thiện để dạy theo phương pháp giáo dục tâm lý khoa học hiện đại phù hợp từng loại đối tượng khác nhau. Đồng thời có thể cân nhắc để bỏ mô hình trường chuyên, mô hình giáo dục HS theo hướng chuyên sâu ở bậc phổ thông là không cần thiết. Qua phổ thông, trường ĐH sẽ làm nhiệm vụ phát triển tài năng theo lãnh vực mà HS yêu thích, đam mê và có năng khiếu.
Cần cải tiến thật mạnh mẽ trường sư phạm. Trường sư phạm là bộ máy cái rất quan trọng. Hiện nay, trường sư phạm dường như đang lạc lõng trong cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Tôi có cảm giác như thiếu sự phối hợp đồng bộ từ bộ máy cái đến chương trình, bởi thế chương trình đã đổi mối vài năm mà vấn đề giáo viên (GV) vẫn luôn là bài toán khó giải. Nếu việc này còn kéo dài thì giáo dục khó phát triển lên tầm hiện đại.
Cần quy hoạch lại các trường sư phạm, giảng viên trường sư phạm phải được tìm chọn từ đội ngũ GV phổ thông, được đào tạo về phương pháp và trách nhiệm làm thầy để đào tạo ra đội ngũ làm thầy. Cũng có thể tuyển những cử nhân ở bộ môn thích hợp để đào tạo cao học… Giảng viên phải xuất thân từ những nhà giáo giỏi có kinh nghiệm thực địa, là nhà sư phạm có chuyên môn tốt và mẫu mực.
Hiện nay, GV từ tiểu học đến trung học có bằng cử nhân sư phạm. Trong khi trình độ GV đủ khả năng giảng dạy giáo dục phổ thông ở nhiều nước phải có trình độ thạc sĩ. Những GV có kinh nghiệm được bố trí dạy lớp 6 để từng bước dìu dắt HS khi các em đang học 1 thầy 1 lớp chuyển sang 1 thầy dạy 1 môn học. Bước chuyển biến về học tập kèm với chuyển biến tâm sinh lý cần được quan tâm, rèn luyện và dạy dỗ chu đáo. GV có năng lực chuyên môn nổi trội thường được xếp dạy lớp 11-12 để chuẩn bị hoàn thành bậc trung học. Sinh viên tốt nghiệp sư phạm phải được bổ nhiệm theo học lực và địa chỉ nhiệm sở theo nhu cầu các địa phương.
Trường sư phạm đào tạo theo phương thức khoa học phù hợp với thông lệ học thuật quốc tế. Đặc biệt phải đào tạo đủ các bộ môn mà giáo dục phổ thông đang thực hiện như tích hợp, nhạc, hoạ, thể thao… để tránh tình trạng các trường “than” thiếu GV như hiện nay. Và cả giám thị, bảo mẫu – những vị trí công việc hết sức cần thiết trong nhà trường- nhưng lại không được chính danh, không qua bài bản nên thường xử lý tình huống sư phạm sai…
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Học sinh học xong lớp 12 sẽ được địa phương kiểm tra và xét tốt nghiệp theo qui định của Bộ GD- ĐT về quá trình học tập của HS để công nhận hoàn thành trung học. Lúc đó, thay vì trường dành thời gian để ôn thi cấp tập thì sẽ dành thời gian để giúp học sinh nhận diện bản thân, năng lực, sở thích và điều kiện để chọn con đường phù hợp phát triển trong tương lai. Nhà trường dành 1 tuần ngoại khoá hoặc nhiều hơn để giới thiệu về các trường ĐH, về ngành học, về các “đường đi” sau THPT...
"Trả” tuyển sinh về cho các trường đại học, thậm chí trường đại học không cần thi tuyển sinh. Ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, HS được chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông có thể ghi danh vào học khoa Dự bị của trường đại học. Trường đại học nhận ghi danh vào năm Dự bị với số lượng rộng rãi nhưng để được vào năm I thì phải là SV ưu tú trải qua một kỳ khảo thí chặt chẽ, nghiêm túc. Khi đó, người học không còn lơ ngơ về ngành nghề vì có 1 năm học thử xem mình có phù hợp và lựa chọn đúng hay chưa. SV không đạt hoặc không hợp có thể ghi danh học lại hoặc chọn trường, ngành khác.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện, cải tổ phải đồng bộ từ con người, chính sách, chương trình, thực nghiệm… bởi đổi mới căn bản, toàn diện không chỉ là viết lại chương trình hay thay sách giáo khoa. Kiến thức nhân loại được nhân lên và thay đổi từng ngày vì thế dạy kiến thức đã không còn phù hợp. Một lần thay sách mà vẫn còn nhiều tranh luận như thế này thì chưa ổn. Giáo dục phải tạo được niềm tin cho người dân và người thầy phải được tôn trọng.