Trong tuần làm việc cuối cùng của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận về 2 dự thảo sửa đổi, bổ sung luật liên quan đến giáo dục (GD): Luật GD và Luật GD đại học (GDĐH). Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ mới đây, nhiều đại biểu đã liên tục chất vấn về việc đổi mới GD bao giờ hết thời kỳ quá độ, GD Việt Nam đang đứng ở đâu?... Tuy nhiên, câu trả lời nhận được chưa rõ ràng.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo SGGP xoay quanh câu chuyện đổi mới GD.
- PHÓNG VIÊN: Vừa qua, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, các đại biểu đã đặt câu hỏi về GD của chúng ta đang đứng ở đâu, nhiệm kỳ này đổi mới thành công được bao nhiêu phần trăm. Thế nhưng, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định không thể nói là bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả rõ - nét. Ông đánh giá thế nào về điều này?
* TS NGUYỄN VIẾT CHỨC: Ai cũng nhìn thấy sự cố gắng của Bộ GD-ĐT sau khi có Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhưng phải khẳng định GD của chúng ta có những tụt hậu, lạc hậu. Lỗi lớn nhất của chúng ta là cải cách không đồng bộ, không đúng hướng, chắp vá, không thành một kế hoạch dài hơi. Đổi mới GD không thể làm trong 1 năm mà phải là cả quá trình; cũng không thể làm ở một bộ phận mà phải ở nhiều bộ phận, thậm chí ở các cấp học, từ mẫu giáo đến phổ thông, đại học đến trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.
Có thể nói, từ trước đến nay, chúng ta chưa có một giải pháp mang tính hệ thống, nên Nghị quyết 29 của Đảng đặt ra yêu cầu đổi mới GD căn bản, toàn diện, mang tính chiến lược, đồng bộ, có tính hệ thống, toàn diện. Còn nếu chỉ đưa ra những giải pháp đơn lẻ, nay thi kiểu này, mai thi kiểu kia, viết sách giáo khoa kiểu này, viết sách giáo khoa kiểu kia thì không có một bức tranh để người ta hiểu rằng đổi mới căn bản toàn diện GD là thế nào… Sửa đổi, bổ sung Luật GD cũng như Luật GDĐH lần này cũng phải trên tinh thần căn bản và toàn diện.
- Vậy theo ông, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật GD và Luật GDĐH mà Quốc hội đang bàn đã thể hiện được điều đó chưa?
* Phải bắt đầu từ tư duy GD như: thế nào là GD suốt đời; thế nào là GD phổ thông, GDĐH; có cần tự chủ hay không?... Hay hệ thống GD thế nào cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như điều kiện thực tế của chúng ta?
Theo tôi, đổi mới toàn diện GD là phải làm rõ những câu hỏi đó. Nguyên lý GD có cần khẳng định lại hay không? Hệ thống GD có cần phải thay đổi hay không? Cái nào bao trùm lên cái nào, cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau? Tất cả những điều đó phải có một hệ thống mang tính đồng bộ, toàn diện. Để đạt tới yêu cầu của Nghị quyết 29, tất cả các giải pháp phải liên quan đến nhau. Toàn diện là tất cả mọi việc liên quan đến GD đều phải đổi mới, chứ không phải đổi mới từng khâu, từng việc. Ví dụ, hiện ngành GD-ĐT đang loay hoay đổi mới thi cử, tôi cho rằng những giải pháp đó chỉ là tình thế, trước mắt, mang tính thời sự, thời vụ. Sửa đổi, bổ sung 2 luật lần này, tôi thấy dường như chưa giải quyết được yêu cầu căn bản, toàn diện.
- Vậy cần phải làm rõ thêm những vấn đề gì?
* Sửa luật toàn diện chính là phải sửa hệ thống GD, triết lý GD. Tư duy, triết lý GD phải rõ. GD phổ thông phải là phổ thông, kiến thức phổ thông tức là những kiến thức bảo đảm để học sinh tiếp tục lên cấp học khác, không phải là phải bảo đảm đầy đủ các loại kiến thức như hiện nay. Hai chuyện đó khác nhau. Hiện môn nào cũng được cho là quan trọng nên cứ “nhét” vào chương trình tiểu học, làm cho chương trình phổ thông nặng đến mức ông bà, bố mẹ phải đeo hộ cặp sách cho con cháu. Cái này là sai, dứt khoát phải đổi mới. Tôi nhớ có lần ngành GD đưa một cách duy ý chí là sẽ giảm tải chương trình phổ thông 15%. Tôi cho là không ổn, GD chứ có phải thuế đâu mà giảm 15%. Đây là vấn đề triết lý GD.
Vấn đề thứ hai là chuyện học làm người và học chữ. Học làm người phải quan trọng hơn học chữ, tiên học lễ hậu học văn. Cùng với đó, phải đổi mới hệ thống GD. GD phổ thông của chúng ta có lịch sử 9 năm, 10 năm, 12 năm, nhưng trẻ con bây giờ hơn thế hệ chúng tôi cả vể thể chất, trí lực, khả năng tiếp thu công nghệ, cái mới. Vậy tại sao ngày xưa chỉ học 10 năm mà bây giờ học 12 năm? Tôi trân trọng cố PGS Văn Như Cương với đề nghị GD phổ thông là 10 năm cộng 1, nghĩa là 1 năm mẫu giáo cộng với 10 năm phổ thông là đủ. Sửa đổi, bổ sung Luật GD lần này nếu không đổi mới về hệ thống thì khó mà căn bản, toàn diện. Vì thế, dứt khoát phải bàn điều này khi sửa Luật GD.
Đổi mới GD trên cơ sở căn bản toàn diện, không phải là đi đổi mới chương trình sách giáo khoa trước. Làm theo cách đó là làm ngọn trước, gốc sau. Chúng ta đang phổ cập trung học cơ sở, tiến tới phổ cập trung học phổ thông, vậy tại sao đã phổ cập lại còn bắt đi thi? Thi lại còn “2 trong 1”, thi tốt nghiệp để xét đại học. Mỗi trường đại học có nhu cầu tuyển sinh khác nhau, vậy tại sao chúng ta lại “2 trong 1”. Tôi đề nghị không thi trung học phổ thông quốc gia, còn thi vào đại học giao hết cho các trường được tự chủ hoàn toàn. Toán vào đại học bách khoa phải khác toán vào đại học y chứ. Cùng là toán nhưng mỗi trường có một nhu cầu tuyển sinh khác nhau, sao lại thi chung?
Tự chủ GDĐH là tất yếu. Trường đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, cũng như mỗi hãng có sản phẩm với thương hiệu khác nhau. Do đó, Bộ GD-ĐT không thể can thiệp, chỉ đạo mọi việc chung vì sẽ không thể ra các sản phẩm khác nhau. Vì thế, sửa Luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến sự giả dối trong GD. GD mà giả dối là sụp đổ. Phải vào cuộc một cách quyết liệt, thẳng thắn, vì sự nghiệp GD, vì tương lai của đất nước mà làm, còn nếu vì bất cứ cái gì khác, GD của chúng ta không kịp đổi mới.
Nếu cuộc cải cách căn bản, toàn diện GD-ĐT này làm không đến nơi đến chốn, làm không kịp thời, không bài bản, chúng ta để mất cơ hội bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; mất cơ hội bắt nhịp với nhịp độ phát triển của khu vực và thế giới. Vì vậy, tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải dồn trí tuệ, tiền bạc, công sức, tâm huyết làm cho bằng được.
- Xin cảm ơn ông!