Đổi mới đối thoại và thương lượng tập thể để doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tăng cường đối thoại và thương lượng tập thể không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà còn góp phần cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp ổn định xã hội và phát triển kinh tế quốc gia.

IMG_3590.jpeg
Người lao động Hà Nội nêu câu hỏi tại buổi đối thoại giữa đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Ảnh minh họa

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028” do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ký. Đây được coi là bước tiến chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó tạo ra môi trường lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Những mục tiêu mới

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối thoại và thương lượng tập thể. Đặc biệt, số lượng và chất lượng thỏa ước lao động tập thể đã tăng mạnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục và nâng cao hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, chương trình mới lần này sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu trong công tác đối thoại, đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm tạo bước đột phá trong quá trình thương lượng tập thể. Theo ông Nguyễn Đình Khang, mục tiêu chính của chương trình là “nâng cao số lượng và chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể”, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ này.

Chương trình đã đề ra các chỉ tiêu cho giai đoạn 2023-2028, nhằm đảm bảo tất cả các công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp nhà nước và ít nhất 85% công đoàn cơ sở ở khu vực ngoài nhà nước phải tham gia ban hành và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, 100% các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố cũng phải chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với đoàn viên và người lao động.

Một mục tiêu khác là thúc đẩy việc thương lượng tập thể ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với ít nhất 83% doanh nghiệp đạt được thỏa ước lao động tập thể vào năm 2028. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu bao phủ thỏa ước lao động tập thể ít nhất 85% tổng số người lao động tại các doanh nghiệp này, với 50% trong số đó đạt loại B trở lên về chất lượng thỏa ước.

Theo đó, mỗi liên đoàn lao động cấp tỉnh và các công đoàn ngành trung ương sẽ phải ký kết ít nhất một thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp tham gia, nếu có từ 80.000 đoàn viên trở lên.

Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện

Để hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chỉ đạo toàn diện, từ việc nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn đến kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện chương trình. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình, do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm trưởng ban, cùng sự tham gia của các trưởng ban quan hệ lao động, tài chính cũng như đại diện các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.

Trong quá trình triển khai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và địa phương, đồng thời nghiên cứu học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với tình hình tại Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên và người lao động về tầm quan trọng của công tác đối thoại và thương lượng tập thể thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền rộng rãi.

Chương trình cũng khuyến khích việc biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối thoại và thương lượng, nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi cấp công đoàn phải xây dựng chương trình hoặc kế hoạch cụ thể để lồng ghép các chỉ tiêu, nhiệm vụ vào hoạt động của mình. Ban chỉ đạo hoặc tổ chỉ đạo tại các địa phương sẽ hỗ trợ thực hiện và theo dõi tiến độ triển khai.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng, hướng dẫn xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và đảm bảo việc thực hiện đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Trong khi đó, công đoàn cơ sở phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế tại doanh nghiệp, từ đó đưa ra những kiến nghị, tham gia thương lượng phù hợp với hoàn cảnh của đơn vị mình.

Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững

Một trong những mục tiêu chiến lược của chương trình là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. “Đối thoại và thương lượng tập thể không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà còn góp phần cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp ổn định xã hội và phát triển kinh tế quốc gia”, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh.

Chương trình còn nhấn mạnh việc đầu tư đủ nguồn lực cho công tác này, bao gồm cả kinh phí, nhân lực và cơ sở vật chất. Đồng thời, công tác tập huấn về kiến thức và kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn các cấp cũng được coi là một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng thỏa ước lao động tập thể.

Tin cùng chuyên mục