Đa dạng hình thức trưng bày
Đầu tuần qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đưa vào hoạt động khu trưng bày “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với hàng trăm đầu sách, phim ảnh, hình ảnh tư liệu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lê Quỳnh Bảo Trân, học sinh lớp 11CV, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, bày tỏ: “Em học tập ở Bác tinh thần làm việc trách nhiệm, luôn hết lòng vì dân, vì nước cùng lối sống giản dị, mẫu mực. Dù là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng Người vẫn đi đôi dép cũ, mặc chiếc áo đã sờn và mỗi bữa cơm canh đều đạm bạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mà thế hệ trẻ chúng em phải phấn đấu học tập, rèn luyện và noi theo để ngày càng hoàn thiện, phát triển bản thân tốt hơn”.
Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo cho biết, đầu năm học 2022-2023, khu trưng bày “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại nhằm kết hợp giảng dạy môn Giáo dục địa phương (một trong những môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối 10), đồng thời tổ chức các chuyên đề học tập môn Lịch sử, Giáo dục công dân đối với khối 11 và 12.
Cô Hảo chia sẻ, thông qua việc trưng bày các tư liệu về quê hương, gia đình, các cột mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu trưng bày đã mang làn gió mới cho việc dạy và học môn Lịch sử với không gian lớp học mở rộng, tạo hứng thú cho học sinh.
Ở bậc THCS, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), cho rằng việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường học nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nơi tổ chức các chủ điểm sinh hoạt, hội thi tìm hiểu về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tuyên dương các tấm gương giáo viên, học sinh điển hình trong học và làm theo Bác.
Riêng đối với bậc tiểu học, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) ngoài việc trưng bày các hình ảnh, sách hay về Bác còn tái hiện một số địa danh lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người lúc sinh thời (như hang Pác Bó, nhà sàn...), qua đó tạo nhiều cảm xúc cho học sinh.
Giáo dục lý tưởng sống cho học sinh
Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết, việc khánh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những hoạt động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với nhiệm vụ chính trị nhằm định hướng các giá trị phát triển cốt lõi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Song song đó, các thầy cô giáo kết hợp nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm phát huy tính sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của người học.
Đồng quan điểm, cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, bày tỏ, các hình thức học tập trực quan sinh động không chỉ giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức mà còn tạo điều kiện để các em chủ động tìm hiểu kiến thức, nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy và phản biện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhấn mạnh, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung trọng tâm của năm học 2022-2023. Các trường cần chủ động triển khai dựa trên đặc thù riêng về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh. Thông qua việc trưng bày các hình ảnh, trình chiếu phim tư liệu, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường học cùng chung tay xây dựng TPHCM trở thành “Không gian văn hóa
Hồ Chí Minh” theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, qua đó góp phần định hướng lối sống, phong cách ứng xử văn hóa, nghĩa tình cho các thế hệ trẻ.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trường THPT Bình Chiểu (TP Thủ Đức) tạo nhiều cảm xúc cho người xem nhờ các hình vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính học sinh của trường thực hiện, kết hợp với việc trưng bày các bài viết của học sinh nêu cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. |