Theo Thành ủy TPHCM, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TPHCM xây dựng 22/26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã xác định chủ đề từng năm để tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai.
Dù vậy, TPHCM bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều khó khăn, thách thức khi chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, TPHCM có tăng trưởng âm 6,78%.
Trong bối cảnh đó, Thành ủy TPHCM luôn nhạy bén, linh hoạt, đưa ra chủ trương quyết sách phù hợp. Cùng với cả nước, TPHCM nỗ lực triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch Covid-19; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhìn lại gần 2 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn tập trung công tác lãnh đạo nhằm đổi mới công tác quản trị thành phố, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển thành phố trong thời gian tới.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM đề ra mục tiêu đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Để đạt được mục tiêu này, TPHCM đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, TPHCM thực hiện 4 chương trình phát triển thành phố (3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm); tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân…
Hiện nay, TPHCM khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Để TPHCM phát huy tiềm năng, thế mạnh rất cần một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nghị quyết mới về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội.