Ngày 20-12, UBND TPHCM tổ chức tổng kết kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đến dự, phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.
Cải thiện môi trường đầu tư
Liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, cần tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định bao gồm cả việc thống nhất cách hiểu, áp dụng để giảm thiểu rủi ro cho quá trình thực hiện. Đồng thời tập trung kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù để có được những chính sách có tính đột phá góp phần thu hút đầu tư.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai tập trung vào xử lý các vướng mắc, tồn tại của dự án để sẵn sàng cho việc thu hút nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Về lâu dài, TPHCM cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp căn cơ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, đảm bảo các quy định có tính ổn định tương đối và có tính kế thừa để tránh tác động tiêu cực không cần thiết tới quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng yếu, tăng cường xúc tiến, hỗ trợ đầu tư các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho việc kết nối vùng, khu vực, như cảng trung chuyển Cần Giờ…
Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, TPHCM cũng cần tập trung hỗ trợ phát triển các trung tâm cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng chất lượng cao. Đồng thời thu hút chọn lọc dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhằm khuyến khích các dự án sản xuất công nghiệp có lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng mới, tiên tiến, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó là việc rà soát các quỹ đất lớn còn lại, tập trung xử lý các vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, kết nối hạ tầng, giải phóng mặt bằng và tái định cư… để sẵn sàng thu hút đầu tư.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng nêu nhiều giải pháp về số hóa và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin. Đồng thời, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Cụ thể, danh mục kêu gọi đầu tư không nên quá rộng, cần được chọn lọc và có tính khả thi. Rà soát, tìm ra các dự án thực sự khả thi, tiềm năng, tập trung vào xử lý các vướng mắc, tồn tại của dự án để sẵn sàng cho việc thu hút nhà đầu tư và khi có nhà đầu tư quan tâm thì có thể đồng hành cùng nhà đầu tư cho tới khi dự án thành công.
Đẩy mạnh phát triển công dân số
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới. Trong đó là những việc tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, các ngành, các địa phương vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn của đời sống người dân và khối lượng công việc của các cơ quan TPHCM.
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho rằng, TPHCM đang rất cần đổi mới công tác quản trị trong tình hình mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Do đó, trong kế hoạch năm 2023, Sở TT-TT đề xuất chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là dữ liệu số. Đồng thời nhấn mạnh, qua thực tiễn cho thấy, TPHCM đang rất cần đổi mới công tác quản trị trong tình hình mới. Từ đổi mới công tác quản trị, TPHCM tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai. Để phục vụ cho đổi mới quản trị thành phố, chuyển đổi số của TPHCM là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo ông Lâm Đình Thắng, năm 2023, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển đổi số và xây dựng TPHCM thông minh là, hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Trong đó, phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thủ tục đủ điều kiện); kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các cơ sở dữ liệu Quốc gia các bộ ngành Trung ương. “Đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước”, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cùng với đó, TPHCM đẩy mạnh phát triển công dân số. Trong đó, triển khai ứng dụng di động thống nhất của TPHCM để người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng tất cả dịch vụ công và được phục vụ tại mọi nơi, mọi lúc. Chữ ký số được tích hợp để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các mẫu đơn điện tử tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện trực tuyến.
Đặc biệt, tạo lập và duy trì dữ liệu số của TPHCM phục vụ chia sẻ, hỗ trợ ra quyết định như triển khai và thực thi chiến lược quản trị dữ liệu TPHCM và chiến lược An toàn Thông tin TPHCM. Trong đó, TPHCM tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu gồm: Nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai - đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính, doanh nghiệp. Trên cơ sở định hướng dữ liệu, các sở ngành đẩy mạnh triển khai thống nhất các hệ thống thông tin chuyên ngành, thực hiện số hóa và tạo lập dữ liệu thống nhất…
Tiếp tục cá thể hóa trách nhiệm
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn cho biết, bình quân mỗi ngày, Văn phòng UBND TPHCM tiếp nhận gần 320 văn bản do các sở ban ngành, quận huyện, TP Thủ Đức, người dân và doanh nghiệp gửi đến; tham mưu ban hành bình quân 120 văn bản/ngày…
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Để xử lý tốt khối lượng văn bản, công việc rất lớn của TPHCM, ông Đặng Quốc Toàn nhấn mạnh yêu cầu phải thường xuyên cải cách công tác tiếp nhận, xử lý văn bản… Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện quy chế tổ công tác của Chủ tịch UBND TPHCM và quy chế phối hợp sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức, Văn phòng UBND TPHCM đã tiến hành rà soát, đối chiếu công việc với các sở ngành. Qua đó xác định rõ trách nhiệm của từng đầu mối phòng ban, lãnh đạo và từng chuyên viên cụ thể để có biện pháp xử lý, đôn đốc công việc.
Văn phòng UBND TPHCM sẽ tiếp tục kiên trì công việc này và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở ngành, địa phương trong thời gian tới. Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện và đề xuất ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng UBND TPHCM; ứng dụng công nghệ thông tin nhanh hơn, nâng cấp tiện ích phần mềm quản lý văn bản; tiếp tục cá thể hóa trách nhiệm…
Cùng với đó, phối hợp đề xuất cụ thể hóa quy trình thủ tục một số công việc mang tính thường xuyên để xác định rõ trách nhiệm, tiến độ của các cơ quan, của Văn phòng UBND TPHCM và các khâu tiếp theo cho đến khi kết thúc công việc.
Thúc đẩy thực hiện chương trình nhà ở xã hội
Để hỗ trợ lực lượng lao động của khối tư nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách hỗ trợ người lao động. Trọng tâm của các chính sách này là thúc đẩy thực hiện chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở đào tạo, giúp cho hoạt động này gắn liền với khâu tuyển dụng, sử dụng để nâng cao tay nghề của người lao động cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo.
Với lực lượng lao động của khối nhà nước, TPHCM sẽ tập trung vào các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc, nâng cao đời sống của người lao động và có các cơ chế, chính sách hạn chế rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ.