Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo vẫn xảy ra ở một số nơi, thậm chí xuất hiện khái niệm bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nhanh”. Công tác tuyển dụng cán bộ chất lượng chưa cao, thậm chí một số nơi còn để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Những vấn đề nhức nhối đó đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.
Nhiều tiêu cực, bất cập và yếu kém
Nếu như vụ việc của Trịnh Xuân Thanh là một trong những “điển hình” về tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ cấp cao thì gần đây những lùm xùm, tai tiếng về công tác cán bộ cũng xảy ra tại nhiều địa phương. Thanh Hóa là tỉnh có đội ngũ cán bộ đông và những năm gần đây, địa phương này đang tập trung xây dựng bộ máy cán bộ tinh gọn, vững mạnh nhưng thực tế tại Thanh Hóa đã xảy ra không ít những sai phạm liên quan tới công tác cán bộ.
Sau vụ quan lộ thần tốc của “hot girl” Quỳnh Anh khiến một phó chủ tịch tỉnh và một giám đốc sở mất chức, thì gần đây nhiều cán bộ cấp trưởng, phó phòng thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, tài nguyên môi trường, nông nghiệp... cũng đã bị xử lý kỷ luật, hủy bỏ quyết định tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm vì không đúng quy định. Không chỉ Thanh Hóa, một loạt địa phương khác như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Yên Bái, Bình Định, Trà Vinh,… đều có những vụ việc sai phạm liên quan đến công tác cán bộ, bị xử lý thời gian qua.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong công tác cán bộ những năm qua không chỉ có những sai phạm, tiêu cực mà đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay còn trong tình trạng đông nhưng không mạnh. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nếu năm 1997, cả nước có hơn 1,35 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì năm 2017, số cán bộ, công chức, viên chức đã tăng gấp đôi, với hơn 2,72 triệu người. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Trong số cán bộ diện Trung ương quản lý ở các ban, bộ, ngành từ 56 tuổi trở lên còn cao, chiếm tới 56,86%. Cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề chưa thật hợp lý, như trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có tới 60,49% được đào tạo về kinh tế và luật, trong khi chỉ có 16,56% có trình độ về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế, 8,36% về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Đội ngũ cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang tăng nhanh trong những năm qua. Số lượng sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang tháng 5-1975 có 92 người (quân đội có 90 người, công an có 2 người); tháng 6-1997 có 298 người (284 quân đội, 14 công an); đến giữa năm 2018 có 627 người (380 quân đội; 247 công an). Riêng số lượng tướng công an trong 20 năm qua tăng hơn 17 lần.
Một tình trạng đáng báo động khác là chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Nghiêm trọng hơn, một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chỉ trong 10 năm gần đây, đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật trong các tập đoàn, tổng công ty.
Nhìn một cách tổng thể, tổ chức bộ máy cán bộ của hệ thống chính trị nước ta hiện còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành. Đặc biệt, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả…
“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu vấn đề. Cũng theo Tổng Bí thư, chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Phải kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ!
Cần phải “bịt các lỗ hổng”
Nhìn nhận về những bất cập, tồn tại trong công tác cán bộ thời gian qua, Tổng Kiểm toàn Nhà nước Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng, vấn đề chạy chức, chạy quyền, suy cho cùng, chính là tham nhũng. Vì vậy, cần phải làm cho kẻ tham nhũng không dám tham nhũng. Trong đó ưu tiên “bịt kín các lỗ hổng” hiện có; hoàn thiện các thể chế một cách hợp lý; quan tâm chế độ đãi ngộ đúng mức; giảm biên chế; nâng cao lương cho cán bộ, viên chức… Đặc biệt, phải lựa chọn chính xác người đứng đầu; tăng cường tính gương mẫu, đi đầu của đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó minh bạch các cơ chế kiểm tra, giám sát, quy trình…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải, những vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền có nhiều nguyên nhân. Có lúc, chúng ta theo đuổi quan điểm đổi mới, cho rằng thế mới là sáng tạo, là tư duy đột phá dẫn đến nhiều cái vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định pháp luật, vượt ra khỏi cách chúng ta chỉ đạo dẫn đến nhiều việc trượt đi một thời gian dài. “Khi đó, ta lại xử lý lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng, tha thứ nên dẫn đến tật xấu tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí cả những công chức bên dưới” - đồng chí Bùi Văn Hải nhấn mạnh. Cũng theo đồng chí Bùi Văn Hải, để xử lý tình trạng “tham nhũng trong công tác cán bộ” cần phải thực hiện mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát nhất là với các địa phương.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước thực hiện thành công các nghị quyết và nhân dân thực sự tin tưởng, thì phải dứt khoát thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất. Trong thoái hóa, biến chất thì có nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng rất quan trọng. Bởi khi bộ máy chọn người sai, thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Điều này, chúng ta đã có những bài học thực tế thời gian qua. Đề cập đến công tác “kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”, đồng chí Lê Đình Sơn nhấn mạnh, cùng với việc hoàn thiện thể chế, cần ưu tiên thực hiện giải pháp 4 không: “không muốn, không dám, không thể và không cần”. Qua đó, làm sao để mỗi cán bộ không thể lợi dụng được và không dám vi phạm kỷ cương, kỷ luật.
Cũng theo đồng chí Lê Đình Sơn, khi người đứng đầu không dân chủ, có chủ nghĩa cá nhân, muốn bổ nhiệm con cháu nhà mình thì bằng cách này, cách khác sẽ tìm cách vận dụng, thậm chí là tìm cách “xi nhan” cho nhau. Vì vậy, khi thực hiện quy trình bỏ phiếu, kết quả 100% nhưng thực chất là không phải vậy. Hệ quả là quy trình thì đúng, nhưng sản phẩm không đúng. “Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng cơ chế quản lý quyền lực. Muốn làm được điều này cần nhận diện cho rõ là xảy ra chạy quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ ở cấp nào, ở đâu; đâu là điểm yếu, lỗ hổng trong thời gian qua. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân sâu xa là một bộ phận cán bộ của chúng ta đã suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ...” - đồng chí Lê Đình Sơn nhận định.