Đổi mới công tác cán bộ và cơ chế kiểm soát quyền lực - Bài 1: Xuất phát từ lợi ích của nhân dân
SGGP
LTS: Cụ thể hóa đường lối Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (tháng 5-2018) đã thảo luận và ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nghị quyết 26 được xây dựng trên quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị và mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì con người. Trong đó, xác định yếu tố cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là trung tâm, có vai trò quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 26 nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc...”.
Vì sao việc quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được xem là sống còn hiện nay đối với công tác xây dựng Đảng? Và cán bộ cấp chiến lược cần phải có những năng lực, phẩm chất như thế nào?
“Then chốt của then chốt”
Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và triển khai nhiệm nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: Xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng “tổ chức” và xây dựng “con người”, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Nếu xen vào đây lợi ích nhóm hay cá nhân thì sẽ chệch hướng. Chúng ta càng ngày càng thấm thía “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”… “Nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban Tổ chức các cấp về công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
“Nếu “chốt” mà rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ. Còn nếu chẳng may cái “chốt” này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào…” - Tổng Bí thư nhận định.
Thực tế đã chứng minh trong mọi nhiệm kỳ, cũng như trong suốt quá trình cách mạng, phát triển của đất nước, công tác xây dựng Đảng, xây đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Cách đây hơn 20 năm (tháng 6-1997), Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành. Đây là sự thể chế hóa đường lối cán bộ của Đảng nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản và toàn diện của đội ngũ cán bộ. 20 năm qua, chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước.
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, cho biết, trong gần 20 năm qua, Đảng có tới 142 văn bản và 5 nghị quyết về công tác cán bộ nhưng thực tế tình hình chưa được như mong muốn, công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập. Do đó, Hội nghị Trung ương 7 phải ra một nghị quyết riêng về công tác cán bộ, tập trung vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
“Cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn “nói và làm”, nhạy cảm về chính trị, không chỉ có nói hay mà phải hành động bằng việc làm cụ thể mới có thể hiện thực hóa hiệu quả được các chủ trương, chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nếu không chỉ là lý thuyết suông...”, GS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Đây là những người giữ chức từ thứ trưởng và tương đương trở lên (khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược) với các mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Nghị quyết 26 ra đời để công tác cán bộ đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ, yêu cầu của cách mạng thời kỳ đổi mới, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, đòi hỏi công tác cán bộ cũng phải đổi mới, theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước. Hơn nữa, thời gian tới là thời điểm chuyển giao thế hệ; từ thế hệ cán bộ được sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, được đào tạo ở trong nước và một số nước xã hội chủ nghĩa chuyển sang thế hệ được sinh ra, trưởng thành trong hòa bình, được đào tạo ở nhiều nước với chế độ chính trị xã hội khác nhau.
“Nếu không tính đến yếu tố này, không làm công tác cán bộ tốt, thì có thể dẫn tới tình trạng “hụt hẫng” và nguy cơ thế hệ sau phủ nhận công lao cha ông, thế hệ trước...” - PGS-TS Nguyễn Việt Thông cảnh báo.
Phải vì dân, vì nước
Là người đứng đầu cơ quan cao nhất về tham mưu, cũng như thực thi công tác cán bộ của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, khẳng định, việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, thông qua thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân... là vấn đề mang tính nguyên lý của Đảng. Trước hết, phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đối phó với những thách thức từ mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và tác động của biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh...
“Lợi ích của nhân dân là căn cứ xuất phát cho sáng tạo, đổi mới của cán bộ; phong trào cách mạng là môi trường cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, đồng thời là nơi kiểm nghiệm, tôn vinh những cán bộ đem lại lợi ích cho nhân dân, được nhân dân ghi nhận, là nơi sàng lọc những cán bộ yếu kém, thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Mỗi thời kỳ lịch sử, ứng với nhiệm vụ cách mạng cụ thể, phải có đội ngũ cán bộ tương ứng” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong khi đó, dưới góc độ một nhà lý luận, nghiên cứu lâu năm về lịch sử Đảng, GS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, cán bộ cấp chiến lược là những người ở tầm vĩ mô, giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, địa phương và các bộ ngành nên có thể quyết định tới các quyết sách của Đảng, Nhà nước. Do vậy việc xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ vững mạnh, có uy tín và trí tuệ thì chúng ta sẽ không sợ những nguy cơ sai lầm về đường lối, hay sự suy thoái trong đội ngũ, qua đó vững vàng đưa đất nước phát triển.
GS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh tới các yêu cầu của việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong đó yêu cầu đầu tiên là phải có đạo đức trong sáng, không bị sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, hay lợi ích nhóm, cũng như không có biểu hiện của cơ hội, tham vọng quyền lực. Tiếp đó, người cán bộ cấp chiến lược phải có trí tuệ cao, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và thế giới công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Thời Lênin cũng đã từng đề cập tới vai trò quan trọng của trí thức và trí tuệ đối với người cán bộ: “Những người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tổng số tri thức mà nhân loại đã tạo ra...”. Sinh thời Bác Hồ cũng từng căn dặn cán bộ, Đảng viên là phải phấn đấu không ngừng học tập để trở thành những người thông thái.
Hơn nữa, yêu cầu hết sức quan trọng đối với cán bộ cấp chiến lược là phải có uy tín chính trị trong Đảng, trong hệ thống chính trị, cũng như với nhân dân. Nếu không có uy tín chính trị, sẽ khó có thể nhận được sự tín nhiệm ủng hộ của nhân dân và Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên để có được uy tín chính trị, người cán bộ cấp chiến lược phải có sự rèn luyện và trải nghiệm qua thực tiễn cách mạng, phải sống gần gũi với nhân dân và biết lo cho dân, cho nước.