Nghề chụp mực 4 tăng gông ra đời đã phần nào giúp bà con giải quyết bài toán thiếu lao động, cho phép ngư dân chuyển đổi những nghề tận diệt như giã cào bay sang hình thức khai thác mang tính chọn lọc hơn, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang có nhiều nhóm nghề khác nhau để áp dụng trong hoạt động khai thác hải sản. Riêng đối với nghề mành chụp, mặc dù một số địa phương trong cả nước đã phát triển loại hình đánh bắt này nhưng với tỉnh Bình Thuận còn khá mới. Chỉ đến khi những dòng vốn ưu đãi từ Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ xuất hiện, nghề khai thác này mới được ngư dân chọn lựa áp dụng.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, nghề mành chụp, hay còn gọi là chụp mực 4 tăng gông được các tỉnh miền Trung làm rất nhiều. Nghề này có thể khai thác quanh năm, đối tượng chủ yếu là các loại cá tầng nổi, mực. Đây là kiểu khai thác dùng nhiều bóng đèn cao áp rọi xuống biển để dụ đàn cá, mực. Sau đó thả lưới (có 4 gọng từ trên tàu bung ra 4 phía), tắt dần các đèn và rút đáy lưới dồn mực vào túi lưới và kéo lên tàu. Kiểu khai thác chụp mực 4 tăng gông tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kinh nghiệm phán đoán chính xác của chủ tàu về thời điểm thả lưới. Theo phương pháp đánh bắt truyền thống là câu mực trực tiếp bằng tay, mỗi ngư dân thường ngồi trên một thuyền thúng chai để câu nên năng suất thấp. Phương pháp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nghề mành chụp có ưu thế rõ rệt là không tốn nhiều sức lao động. Quy trình khai thác chỉ có 3 bước cơ bản: chong đèn gom mực, thả và thu lưới.
Cách đây 2 năm, anh Lê Văn Hà (TP Phan Thiết) đăng ký vay vốn đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67, với nghề vây rút chì. Tuy nhiên, sau khi tham khảo mô hình ở một số nơi, năm 2017 anh Hà quyết định chuyển đổi nghề đăng ký sang lưới chụp. Với anh, đây là một quyết định mạo hiểm, táo bạo. Bởi, nghề này ở Phan Thiết chưa có ai làm. Có tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67, ông Phạm Văn Hòa (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết: “Hiện nay gia đình tôi đang có 2 tàu cá vây rút chì, công suất mỗi chiếc trên 300CV. Tuy nhiên, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đánh bắt xa bờ nên đầu năm nay, tôi đã quyết định đầu tư đóng mới tàu cá công suất 814CV để hành nghề lưới chụp với nhiều tính năng hiện đại”.
Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh: “Đây là mô hình mới nên các phương tiện muốn chuyển đổi nghề cần liên hệ với Hội Nghề cá và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận để nắm bắt kỹ thuật cũng như cách xây dựng ngư cụ sao cho đạt các tiêu chí. Với xu thế nguồn lợi thủy sản ngày càng hạn hẹp và giá cả phục vụ nghề biển tăng vọt, việc du nhập nghề mới cũng là một hướng mở để ngư dân có thể sống với nghề biển”.