Trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế hiện nay, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công, theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin - cho.
Nhớ lại thập niên 90 của thế kỷ trước, những khái niệm về kinh tế thị trường, hành chính và CCHC... là một cái gì đó ít được nhắc đến, đề cập đến khi nói về hoạt động vận hành bộ máy nhà nước. Lúc đó, ông đang là Phó Chủ tịch HĐBT, muốn nghe ý kiến của những “chức sắc” làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền trước đây, để nghe họ nhận xét về hoạt động của chính quyền và góp ý về những giải pháp có tính kỹ thuật nhằm cải thiện tốt hơn việc điều hành của chính quyền.
Chúng tôi, lúc đó là cơ quan thường trực phía Nam của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, được giao nhiệm vụ lo tổ chức cho buổi gặp mặt. Khi đến đưa thư mời và chuyển ý kiến ông Phan Văn Khải, mọi người rất cảm động vì nghĩ chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức về hành chính của mình được trân trọng. Nhiều người chuẩn bị ý kiến bằng văn bản.
Cuộc gặp mặt diễn ra tại Khách sạn Sài Gòn (trên đường Đông Du, quận 1, TPHCM), những người được mời đến dự đầy đủ. Hôm đấy mọi người, trong đó có bà Luật sư Nguyễn Phước Đại, nguyên Phó Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn, nói như trải lòng, rút hết ruột gan và rất tâm huyết xây dựng.
Nhiều người trong số những người ngày ấy nay đã trở thành người thiên cổ, cũng như cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã về với đất mẹ. Nhưng dấu ấn của buổi gặp mặt đặc biệt đó như một cột mốc quan trọng cho sự nghiệp CCHC diễn ra tích cực hiện nay.
2. Cũng từ ngày ấy trở đi, ông Phan Văn Khải cùng tập thể Chính phủ phát động phong trào CCHC, “bật đèn xanh” cho những sáng kiến. Tiên phong là đối với TPHCM, với sáng kiến “một cửa”, đưa tiêu chuẩn ISO-9000 vào để đánh giá một cách định lượng sản phẩm của cơ quan hành chính, khoán biên chế và kinh phí hoạt động cho cơ quan hành chính. Từ ngày đó đến nay đã thực hiện 2 chương trình tổng thể CCHC (2001-2010, 2011-2020), và hiện nay đang tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể 2021-2030.
Thời gian qua, CCHC đã đạt được những kết quả tích cực trên các nội dung theo chương trình tổng thể. Đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phục vụ người dân, xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Toàn quốc đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, gần 3.900 điều kiện kinh doanh; 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước từng bước được nâng cao. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”, chuyển đổi số, là một số kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC.
3. Từ năm 2020, dịch Covid-19 tác động toàn diện, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm 2021-2025. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có nhóm giải pháp cải cách thể chế, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (nhóm thứ năm).
Đối với TPHCM, tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 làm cho tăng trưởng cả năm 2021 âm 6,78%. Hiện nay, phục hồi kinh tế được TPHCM xác định là nhiệm vụ quan trọng, song song với phòng chống dịch bệnh, theo chủ đề năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
TPHCM đã xác định những giải pháp cụ thể thực hiện chủ đề trên. Theo đó, UBND TPHCM đang tập trung CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp và người dân, đối với các dự án, công trình một cách cụ thể. Cùng với đó là tập trung triển khai tổ chức chính quyền đô thị đồng bộ với Đề án xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại TPHCM và thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh giai đoạn 2022-2025”; phát huy tạo điều kiện tối đa để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng của TPHCM và cả nước.
Đặc biệt, TPHCM cần phải nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công, theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin - cho, nhằm cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân. Chính quyền TPHCM cũng phải thực sự kiến tạo, lắng nghe và tháo gỡ từng vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hơn.
Chúng ta cùng hy vọng, với hướng đi đúng đắn, đẩy mạnh nhiệm vụ CCHC, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực chung tay, góp sức của doanh nghiệp và mỗi người dân, kinh tế của TPHCM sẽ nhanh chóng phục hồi, bứt phá trong thời gian tới, để luôn xứng đáng với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thành tựu to lớn về CCHC là do công sức của biết bao thế hệ lãnh đạo, quần chúng nhân dân và cán bộ, công chức tâm huyết. Trong đó có những cán bộ lãnh đạo tiên phong như ông Phan Văn Khải, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua các rào cản định kiến nặng nề lúc bấy giờ và chịu nghe, trân trọng ý kiến mọi người, xem hành chính là một khoa học nên đối xử với nó với tư cách một khoa học. |