Tuy nhiên, hiện đã qua 2/3 thời gian (bắt đầu từ ngày 3-1 đến hết ngày 15-3), song đến thời điểm này, công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn rất chậm.
Một vị nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai nhận định, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến nhân dân được công bố tại trang thông tin lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ TN-MT (gồm bản dự thảo và 2 nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân) là “vừa thừa, vừa thiếu”, ngay cả đối với một người có kinh nghiệm trong ngành.
Bởi, dự thảo luật sửa đổi thì có dung lượng quá lớn và không dễ hiểu đối với người dân, trong khi các nội dung hết sức quan trọng như tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; đánh giá tác động của các chính sách mới trong dự thảo sửa đổi… lại không được cung cấp để nhân dân tham khảo, cho ý kiến.
Bên cạnh đó là thiếu phân tích việc tập hợp ý kiến, kết quả tiếp thu, giải trình qua các lần dự thảo, vì trên thực tế, dự thảo luật đã được công bố từ giữa năm 2022 và cũng đã có nhiều ý kiến góp ý được gửi đến các cơ quan soạn thảo, thẩm tra.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng cho rằng, cần đổi mới phương thức lấy ý kiến về dự thảo luật để đạt được hiệu quả cao hơn. “Báo cáo đánh giá tổng kết Luật Đất đai hiện hành, cả mặt được và chưa được, đều cần cung cấp cho nhân dân một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động của các chính sách mới cũng phải được công khai.
Quan trọng hơn là khi xin ý kiến không phải chỉ mời đại diện, mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố để nghe người dân nói, đặc biệt là người dân ở những vùng đang có vướng mắc, có khiếu kiện bởi nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa không dùng internet nên không vào mạng để tiếp cận tài liệu và gửi góp ý được”, ông Tạ Văn Hạ gợi ý. Nên chăng, cần tập huấn cho một đội ngũ nòng cốt để truyền đạt các vấn đề quan trọng đến với dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Không phải mọi vướng mắc về đất đai đều có thể sửa được ngay khi sửa luật, cũng không thể kỳ vọng chỉ thông qua việc góp ý của nhân dân mà dự thảo luật được hoàn thiện. Song, việc khuyến khích nhân dân cho ý kiến và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến một cách cầu thị, hiệu quả, chính là một trong những điều kiện tiên quyết để Luật Đất đai sửa đổi (sau khi được Quốc hội thông qua) thực sự tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội.