Nhìn chung, nội dung các cuộc họp phụ huynh đầu năm thường giống nhau với phần thông tin về thành tích của nhà trường, định hướng năm học mới, nhà trường có nhu cầu phát triển thêm về cơ sở vật chất trang thiết bị như thế nào...
Đa phần giáo viên chủ nhiệm dành thời gian thông tin về những khoản tiền phải đóng góp theo quy định như học phí, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất đầu năm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền photo tài liệu, đề cương kiểm tra, ôn thi...
Sau đó mới đến phần bầu ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh). Trừ một số ít người đã có kinh nghiệm, thích tham gia hội phụ huynh, còn lại đều ngại tham gia vì sợ dính đến trách nhiệm thu tiền, quyên góp, vận động.
Do nhiều phụ huynh ngại “ôm rơm dặm bụng” nên giáo viên chủ nhiệm chỉ định ai làm thì mọi người đều gật cho xong chuyện. Và những người được chỉ định này thường là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong việc vận động thu tiền.
Cụ thể, nếu cơ sở vật chất của trường còn thiếu, xuống cấp thì đại diện hội phụ huynh đứng ra thuyết phục phụ huynh đóng góp để sửa sang hoặc xây mới; trang bị máy lạnh, máy chiếu, mua bảng tương tác...
Nhìn chung, đa phần phụ huynh đều có tâm lý “ủng hộ” cho yên phận thay vì thắc mắc, góp ý kiến này nọ; trừ một số ít phản ứng nếu mức thu, quyên góp quá cao hay quá bất hợp lý.
Mặc dù, đầu năm học mới Sở GD-ĐT TPHCM đều có công văn nhắc nhở các trường không được thu thêm các khoản trái với quy định. Nhưng trên thực tế, nhiều khoản thu “ngoài quy định” với mức thu cao đến hàng triệu đồng đều được đẩy sang hội cha mẹ học sinh.
Và núp dưới danh nghĩa “đồng thuận”, “tự nguyện”, phụ huynh dù bất bình cũng phải móc hầu bao đóng góp. Vì thế, nhiều phụ huynh mang nỗi ấm ức, “ngậm bồ hòn” sau mỗi cuộc họp phụ huynh đầu năm hoặc hết học kỳ 1.
Như thế, đã đến lúc cần xem lại vai trò, trách nhiệm thực thụ của ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường học trong việc góp phần chăm lo lợi ích chính đáng của học sinh.
Câu hỏi là đến bao giờ thì hội phụ huynh không phải mang trọng trách đứng ra gánh vác việc thu thêm các khoản ngoài quy định? Xin đừng lạm dụng chủ trương xã hội hóa và đẩy cái khó về cho hội phụ huynh, để họ phải tiếp tay cho tệ lạm thu luôn phát sinh vào đầu năm học!
Theo tôi, để hội phụ huynh góp sức cùng nhà trường chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục thì việc tổ chức họp phụ huynh phải thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức.
Nên tổ chức họp với phụ huynh nhiều lần hoặc theo nhóm nhỏ để dễ trao đổi, bàn thảo các vấn đề liên quan đến học sinh. Trong mỗi cuộc họp với phụ huynh, ngoài giáo viên chủ nhiệm, nên có cả giáo viên bộ môn tham gia để phụ huynh biết và có thể liên hệ trao đổi về tình hình học tập khi cần.
Giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian trao đổi với phụ huynh để nắm rõ từng hoàn cảnh, tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần... của những học sinh cần lưu ý. Có như thế, nhà trường và gia đình mới phối hợp dạy dỗ, chăm sóc để phát triển học sinh theo năng lực, sở trường đúng nghĩa