Một lần nữa, hành động của Minh Hiếu khiến chúng ta cảm phục trước cậu bé ở ngưỡng bước vào đời, đã dũng cảm đối mặt với thất bại của mình. Chuyện thiếu 0,5 hay 0,25 điểm để vào đại học gần như năm nào cũng xảy ra với nhiều thí sinh. Nhưng chuyện của Minh Hiếu lại khác, câu chuyện cảm động 10 năm cõng bạn của em đã khiến nhiều người nghĩ đến việc cần phải xét đặc cách để vào Trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng một số người lại quên rằng, chính sự “đặc cách” như vậy sẽ làm em ái ngại trong hành trình về sau, bởi tình thương, sự giúp đỡ bạn bè không phải là thứ để mang ra đổi lấy điểm số vào đại học.
Con đường vào đại học như mong muốn của Minh Hiếu đã tạm rẽ sang một hướng khác, vào một ngôi trường khác nhưng cũng không nằm ngoài ước mong được học y giúp ích cho đời của Hiếu. Nhưng chính hành động từ chối được ưu tiên của em đã thắp lên một tinh thần của người trẻ biết “sống thẳng lưng”, không dựa vào tình thương, mạnh mẽ đối mặt với thất bại của bản thân.
Vài năm trước, không ít người bức xúc trước chuyện bạn thủ khoa đại học không tìm được việc làm phải viết tâm thư đăng lên mạng xã hội than phiền, kêu ca. Ngay lúc ấy, cũng đã có ý kiến cho rằng, thay vì cứ than thở “vì sao thủ khoa thất nghiệp” thì bạn trẻ ấy nên tìm một con đường khác, khó hơn, đi lâu hơn để thử sức mình. Thái độ thụ động khi bước ra đời và không dám đối mặt với khó khăn của bản thân đã khiến nhiều người chỉ trích và thậm chí hoài nghi về một lớp người trẻ chỉ biết dựa vào tình thương, yếu đuối trước thất bại. Nhưng hôm nay, câu chuyện của Minh Hiếu lại mang đến một niềm tin mới về một thế hệ trẻ sống thẳng thắn, thành thật, không kêu ca, than vãn.
Tình thương và sự thông cảm giá trị hơn cả khi nó đặt đúng nơi và đúng thời điểm. Trong câu chuyện của Minh Hiếu, em đã giữ lại một hình ảnh mãi đẹp trong lòng chính mình và nhiều người khác, khi để tình thương, sự giúp đỡ bạn bè mãi là một tình cảm thiêng liêng, không dựa vào đó để đổi lại cho mình một sự đặc cách hay ưu ái. Đó là thái độ sống không chỉ truyền cảm hứng mà còn là một tấm gương để nhiều người trẻ khác noi theo.
Biết đối mặt với những thất bại đầu đời cũng là một thành công với bạn trẻ. Ở ngưỡng mười tám, đôi mươi, không có cánh cửa nào khép lại cả, mọi thứ chỉ mới bắt đầu, để từ đó nỗ lực hơn trong hành trình ở tương lai.