Vì sao doanh nghiệp tư nhân chậm lớn?

Đối mặt nhiều thách thức

Tại một hội thảo về “Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam” tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Vì sao DN tư nhân chậm lớn? 
 
Sản xuất tại Công ty Nhơn Hòa Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất tại Công ty Nhơn Hòa Ảnh: CAO THĂNG
Nghị quyết số 35 (ngày 16-5-2016) của Chính phủ, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, được xem như một luồng sinh khí mới thổi vào cộng đồng các DN hiện hữu và cả những người đang nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay - tròn 1 năm thực hiện, những rào cản, khó khăn, vướng mắc của DN vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Khó chồng khó 
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát “bỏ túi” tại 20 DN (hoạt động trên một số lĩnh vực như công nghệ, đầu tư hạ tầng viễn thông và sản xuất hàng tiêu dùng) về những vấn đề mà họ đang quan tâm. Kết quả cho thấy, hơn 80% lo thiếu nhân lực có chuyên môn; 80% DN không muốn mở rộng hoạt động; có 50% lo thiếu về vốn; 100% DN lo ngại môi trường kinh doanh chưa bình đẳng khiến các DN đang bước vào cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn…
Ông N.M.T., giám đốc một công ty (đề nghị giấu tên), cho biết sau 15 năm thành lập, đến nay công ty vẫn chưa có được một dàn nhân lực đủ về số lượng cũng như chất lượng để có thể triển khai các chiến lược phát triển dài hạn, mặc dù doanh thu hàng năm vẫn tăng. Theo ước tính của ông T., trung bình mỗi kỹ sư làm việc tại công ty được gần 2 năm rồi lại xin chuyển, vì nhiều lý do. 
Cùng quan điểm này, đại diện một công ty gia công phần mềm chia sẻ, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia chưa nhiều về mặt thuế, song các khu vực DN tư nhân chính là nơi đào tạo và đào tạo lại kỹ năng chuyên môn cho toàn xã hội. Theo DN này, 10 năm thành lập là chừng đó thời gian giám đốc công ty phải lo mọi việc từ A đến Z, từ việc tuyển người đến hướng dẫn họ biết viết một văn bản, rồi thiết kế chuyên sâu, quy trình xử lý công việc… Nhưng chỉ cần biết việc là họ sẵn sàng chuyển chỗ, bất chấp công sức DN đã bỏ ra đào tạo họ. “Chúng tôi đặt vấn đề: Vì sao họ lại bỏ đi. Có thể do mức lương khởi điểm thấp, điều kiện làm việc không hấp dẫn như các DN lớn và DN nước ngoài. Hầu hết những sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước đến đây thì kỹ năng làm việc chuyên môn của họ gần như bằng 0. Chúng tôi phải đào tạo thêm ít nhất là 1 năm thì họ mới có thể làm được những việc cơ bản tại công ty. Đến nay tôi không thể nhớ hết có bao nhiêu người đã ra vào công ty, chủ DN chua chát nói. 
Thiếu tiềm lực dẫn đến không tuyển được người giỏi, có chuyên môn cao… là vấn đề muôn thuở ở khu vực DN tư nhân. Nhưng điều khiến các DN nhỏ khó vượt qua nhất chính là môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự cải thiện. Cụ thể, tại nhiều lĩnh vực, các DN luôn phải đối mặt với những DN “sân sau”, hoặc phải “chiến đấu” bất bình đẳng với các tập đoàn lớn. Nói cách khác, tại Việt Nam, các DN và tập đoàn lớn chưa thực sự trở thành đầu tàu kinh tế, là điểm tựa, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN nhỏ phát triển. 
Giám đốc một DN chuyên về hạ tầng viễn thông cho biết, mặc dù nhà mạng đạt lợi nhuận khủng nhưng họ vẫn liên tục ép DN đối tác giảm giá cho thuê hạ tầng bằng nhiều cách khác nhau, kéo dài thời gian thanh toán hàng năm trời, trong khi chi phí của DN ngày càng tăng. Cũng chính từ áp lực ngày càng gia tăng nên có không ít DN đã lặng lẽ bán lại tài sản cho tập đoàn nước ngoài, số còn lại thì “ông lớn” bảo gì cũng phải nghe, miễn là thu hồi được ít tiền đã đầu tư và chấm dứt việc mở rộng mới.
Chính sách bất bình đẳng
Tại một hội thảo về “Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam” tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Vì sao DN tư nhân chậm lớn? 
GS-TS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng vai trò của kinh tế tư nhân chưa phát huy đầy đủ do những yếu tố cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và bất cập trong quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Thực tế, những đại gia vẫn nhận được sự ưu ái, còn những DN nhỏ, yếu thế trong khu vực tư nhân bị phân biệt đối xử về việc tiếp cận đất đai, vốn… Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong khi DN tư nhân gặp khó khăn trong kinh doanh, lợi nhuận ít, thậm chí thua lỗ, nhưng các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng thêm, do đó đại bộ phận DN siêu nhỏ, DN vừa và nhỏ khó có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, chỉ có 30% DN nhỏ và vừa được tiếp cận, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác. Với DN nhỏ ít vốn, ít lao động, năng lực cạnh tranh hạn chế, nếu không được Nhà nước hỗ trợ có hiệu quả thì khó mà tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển.
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nam Thái Sơn, cho rằng sở dĩ DN tư nhân không lớn lên được, ngoài những nguyên nhân khách quan thì tự thân các DN thiếu sự liên kết nên không làm nên sức mạnh cộng hưởng. “Hơn 20 năm trước tôi khăn gói sang Đài Loan để tìm hiểu về công nghệ sản xuất bao bì, cũng đã gặp khá nhiều DN bắt đầu khởi nghiệp như tôi. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, cũng những DN ấy, nay họ đã thực sự lớn mạnh và hình thành chuỗi liên kết để hợp tác sản xuất. Nhìn lại mình, mặc dù doanh thu xuất khẩu hàng năm cũng đạt hàng chục triệu USD, nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với doanh thu của những DN cùng trang lứa với tôi ở Đài Loan. Điều khiến tôi chạnh lòng, là đến nay tôi chưa thực sự tìm được những đối tác có thể tin cậy để hợp tác trong làm ăn. Nói cách khác, tôi luôn có cảm giác cô đơn trong kinh doanh!”, ông Trần Việt Anh nói.
Cùng quan điểm trên, ông N.M.T. cho rằng, các DN nhỏ bị các DN lớn bắt nạt là do đầu tư theo phong trào, thiếu sản phẩm và công nghệ riêng biệt, tự cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau nên không mang lại hiệu quả. Bản thân các DN cũng chưa xây dựng được hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để giữ sân chơi và bảo vệ quyền lợi cho chính mình. “Chúng ta đang nói nhiều đến vấn đề khởi nghiệp. Hơn lúc nào, tôi mong muốn thế hệ doanh nhân trẻ hãy khắc phục điều này, bởi lẽ khi chúng ta ra khỏi Việt Nam, đi đến đâu “có bạn, có phường” vẫn cảm thấy ấm lòng hơn là đi một mình. Để làm được điều này, rất cần sự hậu thuẫn từ Chính phủ. Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ”, còn các DN lớn phải là vai trò đầu tàu, từ đó tạo dựng được một đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, không vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình mà phá lợi ích chung của cộng đồng, khi đó đất nước mới thực sự giàu mạnh”, ông N.M.T. kết luận.
Nói về chính sách thuế, nhiều DN bức xúc, cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà cho DN phát triển. Nếu chúng ta cứ mãi áp dụng, DN có doanh thu là phải nộp thuế ngay thì sẽ rất khó để khuyến khích DN làm ăn bài bản. Bởi lẽ, bản thân DN tư nhân nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng còn thiếu và yếu về nhiều mặt, trong khi vẫn phải chịu chung mức thuế như các DN đã lớn mạnh, sẽ là không bình đẳng. Với việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa từ 20% xuống 15%, theo các DN đây là tư duy nhỏ giọt. Với nhiều DN hiện nay làm ăn không có lãi thì việc giảm thuế sẽ không mang lại ý nghĩa thiết thực. 

Tin cùng chuyên mục