Xung phong giữ đảo
Anh hùng Lê Hữu Trạc nay đã 80 tuổi, sống trong căn nhà khiêm nhường bên một con đường nhỏ ở thôn Xuân Dục. Dù tuổi đã cao, mắt bị mù nhưng ông vẫn còn nhớ rất kỹ tư liệu cuộc đời binh nghiệp hào hùng của mình. Tiếp chúng tôi, ông nói: “Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tôi nhập ngũ vào Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ngày lên đường, mẹ tiễn tôi với lời dặn, hãy chiến đấu như tổ tiên, ông bà từng chống giặc”.
Húp ngụm trà, ông kể tiếp: “Vĩ tuyến 17 cắt đôi đất nước như nhát chém, đảo Cồn Cỏ liền kề với đường giới tuyến nên địch lúc nào cũng lên kế hoạch chiếm đảo, vì chiếm được đảo sẽ bao quát vùng rộng lớn trên biển nhằm phục vụ các kế hoạch lớn trên đường 9 - Khe Sanh để tiến ra Bắc. Đại đội Lê Hồng Phong của chúng tôi nhận lệnh cấp trên lựa chọn một trung đội lên đường ra giữ đảo Cồn Cỏ. Tháng 7-1965, khi đó đang là trung đội phó, tôi cùng các đồng đội viết tâm thư bằng máu xung phong giữ đảo. Đấy là những tháng ngày ác liệt nhất. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965-1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó, 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Với những chiến công đó, năm 1966, chúng tôi vui mừng nhận thư khen ngợi của Bác Hồ. Trong thư Bác viết, tôi nhớ mãi hai câu thơ: Cồn cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ. Tôi vinh hạnh được chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ với những quân dân kiên cường, với những anh hùng, như: Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật (Quảng Bình); Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc (Thanh Hóa); Bùi Hạnh (Khánh Hòa)”...
Từ năm 1964-1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ hơn 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ giữ đảo hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn; mỗi hécta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn. Chiến đấu gần 1.000 trận, Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng; được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công...
Sáng tạo trong chiến đấu
Tiếp nối những trận đánh oanh liệt trên đảo Cồn Cỏ, năm 1968, Trung úy Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền trong vai trò Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Ngay lập tức, ông triển khai lực lượng đánh sập cầu Bến Ngự, cách đồn địch 100m, cắt đứt chi viện bằng đường bộ từ cảng Cửa Việt lên chiến trường đường 9 - Khe Sanh. Mất tuyến đường chi viện trên bộ, địch ào ạt chi viện bằng đường sông với tàu vận tải được thiết kế chống đạn B40. Bản lĩnh thép được tôi luyện từ đảo Cồn Cỏ, Trung úy Lê Hữu Trạc đề xuất với Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh điều động dân quân các xã dùng súng DKZ bắn tàu vận tải, do một lần chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ, ông đã tình cờ sử dụng mà thành công. Đề xuất ấy được chấp thuận, hỏa lực của DKZ tiêu diệt tàu địch. Trận tuyến ven sông được bố trí trên bờ bởi dân quân các xã, hàng chục tàu tiếp tế của địch bị bắn cháy, bắn chìm. Có thời điểm, cả tuần liền không một chiếc tàu nào của địch lọt qua lưới hỏa lực DKZ để tiếp tế cho chiến trường đường 9 - Khe Sanh.
Sáng tạo dùng DKZ để bắn tàu hậu cần của địch với thiết kế chống đạn B40 được đồng đội của cựu binh Lê Hữu Trạc đánh giá như một phát minh trong chiến tranh. Phát minh đó giúp tiết kiệm rất nhiều vũ khí, khí tài cho bộ đội để chi viện cho các chiến trường khác. “Tôi chỉ nghĩ làm sao đánh địch hiệu quả mà tốn ít đạn dược nhất để quê hương nhanh đến ngày thống nhất mà thôi”, cựu binh Lê Hữu Trạc tâm sự.
Tháng 5-1968, Trung úy Lê Hữu Trạc được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Quân khu IV. Trong một chuyến trinh sát chống địch đổ bộ bằng đường không phía Tây huyện Vĩnh Linh, ông và đồng đội không may vướng phải bom Mỹ. Một chiến sĩ hy sinh, còn ông bị hất tung bất tỉnh, bị mù vĩnh viễn 2 mắt.
“Đấy là những năm tháng khó khăn nhất trong đời tôi. Bởi, đang sức chiến đấu hừng hực khí thế, nhưng khi tỉnh dậy mọi thứ tối đen sụp xuống”, cựu binh Lê Hữu Trạc nhớ lại.
“Đôi mắt” của phần đời còn lại
Mù vĩnh viễn đôi mắt, ông được đưa về an dưỡng tại Hà Tây (nay sáp nhập vào Hà Nội). Nơi này, người lính Lê Hữu Trạc gặp cô gái Kim Thị Mão làm phục vụ trong khu an dưỡng. Nhiều lần phục vụ thương binh, cô Mão cảm tình người lính quê Quảng Bình. “Lần đầu vào nhà cô ấy chơi, gia đình vợ tôi bổ mít mời anh em cùng ăn, cô Mão lấy 2 cái bát, một cái bỏ tăm và muối, một cái để không, rồi dặn tôi ăn xong thì bỏ hạt vào đó. Ăn xong cô Mão lại tinh tế bưng chậu nước vào tận bàn cho tôi rửa tay, còn thầy với u thì cô ấy mời ra bậc thềm rửa tay. Tôi nghĩ hoài về sự tinh tế ấy. Hồi gặp lần đầu, cô ấy hỏi nhà ở đâu, tôi nói ở Quảng Bình xa lắm mà muốn có một người đi cùng con đường xa hơn về Quảng Bình. Cô ấy trả lời: “Anh muốn là có thôi”. Dần dần tìm hiểu, đến năm 1972, tôi cưới cô ấy, ở lại Ba Vì công tác, sinh sống. Năm 1974 thì chuyển công tác về Quảng Bình đến nay. Từ ngày gặp được vợ, cô ấy chính là “đôi mắt sáng” của phần đời còn lại. Cuộc đời binh nghiệp chiến đấu ở Cồn Cỏ thì đồng đội và tôi là “tai mắt” cho đảo. Còn bây giờ, vợ tôi là “đôi mắt” tuyệt vời nhất mà tôi từng biết đến”, cựu binh Lê Hữu Trạc xúc động nói.
Hai vợ chồng ông có với nhau 3 người con. Tuy bị mù, nhưng ông luôn gắng giúp vợ quản lý con cái, dạy dỗ nên người. Không những thế, ông còn là người đứng ra thành lập Hội Người mù Quảng Bình, là nơi quy tụ những người bị mắt kém, tạo dựng công ăn việc làm cho hàng ngàn hội viên từ sản xuất tăm tre và một số ngành nghề nhẹ khác.
Nay đã 80 tuổi, mỗi dịp tháng 7, ông đều bảo đứa con trai út Lê Hữu Chính chở viếng các nghĩa trang liệt sĩ để tri ân đồng đội, giáo dục cháu con mạch nguồn truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn.
Với những chiến công của Trung úy Lê Hữu Trạc, Nhà nước đã phong tặng ông Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 26-4-2018, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.