Sáng nay, 21-8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe mhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị cùng sự tham dự của Phó Thủ Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.
Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác y tế còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế như trong phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư.
"Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, những thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, nhu cầu, kỳ vọng của người dân cao hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Trước những khó khăn bất cập trên của ngành y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế.
Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Bộ Y tế cũng kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.