Không ít người lính chữa cháy đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ hoặc có khi phải suốt đời mang theo thương tích. Và cũng trong những lần chạm trán với “giặc” lửa, với việc cứu hộ, họ không ít lần “cười ra nước mắt” vì những nỗi khổ tâm không biết kể cùng ai…
Người dân chung cư Carina Plaza được lực lượng Cảnh sát PCCC giải cứu
Lòng quả cảm với nghề
Những giọt nước mắt đã rơi thật nhiều trong một buổi tiễn đưa thượng úy Phạm Phi Long - Tiểu đội phó Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân. Long đã ra đi vĩnh viễn trong một lần thực hiện nhiệm vụ.
23 giờ 5 phút ngày 7-9-2017, như bao lần xuất quân khác, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đến chữa cháy tại ngôi nhà 2 tầng được xây dựng tạm bợ, dùng để làm kho chứa 5 tấn áo quần đã qua sử dụng ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận hiện trường thì ngôi nhà đã bốc cháy dữ dội, ngọn lửa bao trùm toàn bộ căn nhà với tổng diện tích sử dụng khoảng 500m². Trong vùng cháy tỏa ra nhiều khói, khí độc, lực lượng chữa cháy chỉ biết làm sao để nhanh chóng dập tắt được đám cháy, cứu người và tài sản. Thế nhưng, điểm xuất phát cháy lại nằm ở gác lửng phía sau ngôi nhà, đòi hỏi phải leo lên thang 3 thì mới tiếp cận được.
Nhận lệnh chỉ huy, 3 chiến sĩ chữa cháy nhanh chóng leo lên thang 3, ôm vòi lăng, cố hết sức phun nước vào bên trong đám cháy. Bất ngờ ngôi nhà đổ sập, kéo theo 3 chiến sĩ vùi sâu dưới đống gạch đá. Sự cố khiến cho thượng úy Phạm Phi Long hy sinh và 2 đồng đội của anh - hạ sĩ Bùi Văn Dũng, Phan Tấn Quốc chấn thương nặng. Đám tang đẫm nước mắt với biết bao nghẹn ngào của gia đình và đồng đội. Đêm chữa cháy định mệnh đã khiến anh Long ra đi mãi mãi ở tuổi 32, rời xa cha mẹ già, người vợ đang mang thai ở tháng thứ 8 và con trai lên 2 tuổi.
Sự mất mát to lớn đó không gì có thể bù đắp và vẫn luôn để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng những người ở lại. Đó sẽ luôn là động lực thôi thúc đồng đội của anh tiếp tục vững bước tiến trên con đường lý tưởng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, thay anh chiến đấu với “giặc” lửa, để bảo vệ tính mạng và tài sản cho dân. Đó không chỉ là lời thề danh dự, mà đó còn là sự nghiêng mình tưởng nhớ, để tự hào, để xứng đáng với những người đồng đội đã ngã xuống đầy oanh liệt vì sự bình yên của người dân.
Trong những ngày cuối tháng 3-2018, người dân cả nước lại một lần nữa phải chứng kiến một vụ cháy cướp đi sinh mạng của 13 người dân và làm hàng chục người dân khác bị thương. Để dập tắt ngọn lửa hung tàn, giải cứu những cư dân chung cư Carina Plaza vô tội thoát khỏi những hiểm nguy là sự nỗ lực đến tột cùng của những người lính cứu hỏa.
“Lúc đó hỗn loạn lắm, khi chúng tôi lao được ra đến bên ngoài thì cũng thấy rất nhiều anh lính cứu hộ đang lao vào...”, lời một nhân chứng thoát khỏi đám cháy nói với phóng viên Báo SGGP đã lột tả thật chính xác công việc của những người lính chữa cháy.
Thời điểm xảy ra sự cố, dù sau gần 10 giờ liên tục cùng đồng đội chiến đấu với giặc lửa, giải cứu hàng trăm cư dân thoát khỏi đám cháy và hướng dẫn thoát nạn cho hàng ngàn cư dân khác, nhưng ngay sau khi nhận được mệnh lệnh của chỉ huy, đại úy Trần Tuấn Thanh - Đội chữa cháy khu vực 1, Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 vẫn tiếp tục triển khai máy bơm xuống tầng hầm để hút nước phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường vụ cháy.
Dù người mệt lả, khát khô cổ họng và đói đến bủn rủn tay chân, và trong hầm sức nóng vẫn còn rất cao, khói khí độc vẫn còn quyện chặt đến ngạt thở, nhưng vì nhiệm vụ, anh vẫn cùng đồng đội đưa máy bơm đến vị trí tập kết, tiếp tục tổ chức hút nước. Thế nhưng, khi máy bơm vừa hoạt động được 5 phút, anh nghe âm thanh khác lạ phát ra, kèm theo lửa bùng lên táp thẳng vào mặt anh. Theo phản xạ tự nhiên, anh đưa cánh tay trái lên che mặt, lửa khiến bàn tay anh tuột gần hết da, nửa người bên trái bị cháy sém, phỏng rộp, nóng rát. Lửa bùng cháy dữ dội, anh ôm bàn tay chạy ra khỏi miệng hầm rồi gục bên vỉa hè, nghiến chặt răng. Mọi người dường như không ai thấy anh, tất cả đều hướng về phía miệng hầm, nơi đồng đội của anh đang gồng mình dập lửa. Anh âm thầm chịu đựng nỗi đau và lịm đi… Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đã nằm trong phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ hỏi: “Tại sao anh không la lớn để mọi người đưa ngay đến bệnh viện? Không sợ nguy hiểm đến tính mạng mình sao?”. Anh trả lời: “Tôi sợ vì mình mà anh em bị phân tâm”…
Nỗi đau ám ảnh
9 giờ sáng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh mấy anh lính đang ngủ vùi. Thấy tôi, thiếu tá Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 11, đưa tay lên miệng ra hiệu nói khẽ: “Anh em vừa đi chữa cháy về đấy, cháy tuy không lớn nhưng có đến 3 nạn nhân bị chết ngạt trước khi chúng tôi đến. Đau lòng quá các chị ạ”.
Nhìn khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi của anh, tôi hiểu anh và đồng đội vừa trải qua một trận quyết chiến sinh tử với “giặc” lửa. Anh kể: 5 giờ 16 phút, chúng tôi nhận được tin báo cháy ở đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11. Chỉ chưa đầy 3 phút, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, khi đó ngọn lửa đã bao trùm phần lớn ngôi nhà 1 tầng trệt và 1 gác lửng, diện tích khoảng 90m². Nhiều cấu kiện công trình đã sụp đổ, đặc biệt là 3 người còn mắc kẹt bên trong. Thời gian lúc bấy giờ đối với chúng tôi được tính bằng giây, tôi ra lệnh cho anh em phải triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vừa dập lửa, ngăn cháy lan, vừa cứu người bị nạn. Mọi động tác phải nhanh gọn, chính xác. Thế nhưng, dù đã hết sức cố gắng nhưng do người dân báo cháy chậm, 3 nạn nhân đều là những người bị hạn chế khả năng vận động, bên cạnh đó, diện tích nhà hẹp nhưng chứa quá nhiều đồ đạc, lại để bừa bộn, chắn hết lối thoát nạn nên 3 nạn nhân không thể thoát ra ngoài, dẫn đến chết ngạt.
Lực lượng CHCN trong một cuộc lặn tìm nạn nhân
Anh thở dài nói nhỏ: “Không biết rồi cuộc sống của 3 hộ gia đình với 15 nhân khẩu sẽ như thế nào khi tất cả đã bị cháy hết. Nói thật với chị, ánh mắt thất thần của người chồng, người cha của 3 nạn nhân chết trong vụ cháy này cứ ám ảnh tôi. Tôi thấy mình có lỗi”.
Giọng anh nghẹn lại. Anh nói nhỏ, lính chữa cháy khổ lắm, nhưng khó khăn gian khổ bao nhiêu cũng vượt qua được, không biết sợ là gì, thế nhưng chỉ cần người dân báo cháy chậm thì cuộc xuất quân đó dù nhanh đến thế nào đi chăng nữa, hậu quả để lại đều vô cùng lớn.
Tri ân
7 giờ sáng 3-1-2018, chúng tôi có mặt trên bờ sông Rạch Chiếc đoạn gần cầu Cống Đập khi hàng chục anh lính Phòng Cứu hộ - cứu nạn, Cảnh sát PCCC TP đang lặn mò tìm nạn nhân sau khi người dân phát hiện trên bờ dấu vết cày từ mặt đường đến vị trí của chiếc xe máy nằm chỏng chơ bên mép sông và báo cho lực lượng 114.
Do vừa trải qua đợt áp thấp nhiệt đới nên thời tiết vẫn còn khá lạnh, nhưng do yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ trong trang phục người nhái đã nhanh chóng lặn xuống dòng sông đen kịt, đầy rác để tìm kiếm người bị nạn. Đói và lạnh nhưng họ vẫn thay phiên nhau ngâm mình liên tục trong dòng nước hôi thối, dùng cả chân và tay để tìm kiếm. 3 - 4 giờ trôi qua trong vô vọng, hàng trăm người dân đứng trên bờ theo dõi. Áp lực đè nặng lên vai các anh. Trên đoạn sông dài hàng trăm mét, hàng chục người nhái chia nhau ra lặn tìm…
Bỗng các anh nhận được lệnh dừng cuộc tìm kiếm. Thì ra, nạn nhân do uống quá chén nên không làm chủ được tay lái, khi đi ngang khu vực đó đã bị ngã xe và rớt xuống sông. May mắn, anh kịp thời “tỉnh” lại, ngoi lên bờ và bỏ lại xe máy để về nhà ngủ. Đến khi tỉnh rượu, anh mới hốt hoảng khi đọc tin về sự việc và thấy chiếc xe của mình nằm dưới chân cầu nên đến cơ quan công an trình báo!
Những người lính cứu hộ, cứu nạn kết thúc nhiệm vụ của mình với kết quả không tìm được xác nạn nhân, nhưng các anh lại rất vui với lời xin lỗi và cảm ơn rất chân thành của người suýt trở thành nạn nhân ấy. Thật vậy, niềm vui và sự động viên lớn nhất với những người lính chữa cháy là chỉ khi những người bị nạn được cứu thoát, tài sản sau vụ hỏa hoạn không bị thiệt hại quá nhiều…
Những phút nghỉ ngơi tranh thủ, những bữa ăn vội vàng chỉ có bánh mì và sữa rồi làm nhiệm vụ, không ngại vất vả gian khó đã làm nên những hình ảnh đẹp, giản dị về những người lính cứu hỏa quả cảm. Những người lính cứu hỏa, những người thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đã sẵn sàng quên mình cứu người bởi mệnh lệnh từ trái tim. Và mới đây, những lời cảm ơn chân thành lại lần nữa khiến toàn bộ lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM không giấu được xúc động. Đó là lời cảm ơn từ 70 cư dân đại diện cho hàng ngàn hộ dân sống tại chung cư Carina Plaza gửi những chiến sĩ PCCC trong một buổi gặp mặt thân mật.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - cư dân chung cư Carina Plaza xúc động nói: “Từ trước đến nay, khi nhắc về 2 chữ “anh hùng” chúng tôi đều nghĩ về các nhân vật trong phim truyện. Thế nhưng, qua vụ hỏa hoạn này, chúng tôi nhận ra rằng, những người anh hùng đôi khi ở rất gần với mình. Hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí là sẵn sàng hy sinh tính mạng khi xông vào trong khói lửa mịt mù dập tắt đám cháy, cứu sống được hàng trăm người dân đang lâm nguy và hướng dẫn cho hàng ngàn người dân khác thoát nạn, thật sự là những người hùng trong lòng chúng tôi. Có lẽ những hình ảnh đó sẽ đi theo chúng tôi suốt cả cuộc đời…”.