Theo đại biểu, mức chịu thuế TNCN hiện nay là 11 triệu đồng/ tháng và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng - đã quá quá lạc hậu, nhất là ở những thành phố lớn, khi mà chỉ tính riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay đã không dưới 5 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ 4,4 triệu này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã tăng: giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27% và đặc biệt giá xăng tăng tới hơn 100%.
Do đó, mức giảm trừ này đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế, khiến rất nhiều người dân ở trong cảnh phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn nộp thuế TNCN. Điều này cũng khiến cho nhiều người đón nhận tin tăng lương từ 1-7 tới đây trong âu lo: lương tăng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng. Việc không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương, đó là lý do mà đại biểu đề nghị Luật Thuế TNCN (sửa đổi) cần được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay để thông qua vào tháng 5-2025, thay vì năm 2026 như dự kiến. Đề nghị này dù không mới, nhưng là mong mỏi của nhiều người dân suốt thời gian qua.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN hiện thấp so với cuộc sống tại các đô thị, khi sửa luật sẽ phải tăng. Từ khi ra đời và có hiệu lực, Luật Thuế TNCN đã vài lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, đòi hỏi điều chỉnh càng trở nên bức thiết.