Hoạt động chủ yếu của các bạn đoàn viên trong đội hình là đi chợ mua giúp nhu yếu phẩm cho người già yếu, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và thăm hỏi, trò chuyện giúp người già thấy vui vẻ, phấn chấn hơn.
Ngoại muốn ăn gì để con nấu
“Ngoại Sáu ơi, hôm nay ngoại muốn ăn gì để tụi con đi chợ”. Nghe tiếng hỏi, bà Nguyễn Thị Sáu (85 tuổi, ngụ đường số 10, khu phố 3, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) chống tay xuống chiếc giường đã cũ để ngồi dậy: “Nay ngoại thấy thèm bún, tụi con nấu cho ngoại nhé”. “Dạ, ngoại chờ chút, tụi con đi chợ về liền”.
Sau tiếng thưa, bà Sáu nghe tiếng xe máy quen thuộc chạy ra khỏi con hẻm. Những ngày qua, người dân sống gần nhà bà Sáu đã quen với hình ảnh những thanh niên mặc trên người chiếc áo xanh tuổi trẻ đến dọn dẹp, nấu ăn, trò chuyện cùng bà.
Đi chợ thật nhanh trong vòng 20 phút, Phạm Hoàng Ngọc Linh (sinh viên năm 2 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) và Nguyễn Thanh Loan (sinh viên năm 4 Trường Đại học Mở TPHCM) về lại nhà bà Sáu. Đã khá quen thuộc với căn nhà, Linh và Loan bắt tay ngay vào công việc. Linh nhanh tay lấy chổi quét nhà, sau đó lau nhà thật sạch. Xong đâu đấy, Linh lại đến giường của bà Sáu để xếp gọn mền gối và gom quần áo dơ mang đi giặt.
Trong khi đó, Loan ở phía trong bếp vừa gọt rau củ, vừa bắc nồi nước lên hầm thịt. “Thực đơn cho ngoại Sáu (tên thân mật các bạn đoàn viên gọi bà Sáu) hôm nay là món bún thịt nấu với các loại rau củ và nấm. Hôm qua ngoại nói mai muốn ăn cơm với cá chiên sả, nhưng sáng nay lại đổi ý muốn ăn bún. Ngoại hay đổi ý vào hôm sau nên sáng nào trước khi đi chợ, chúng em cũng ghé qua hỏi lại ngoại lần nữa”, Loan nói trong lúc cắt rau.
Ngoài Linh và Loan còn có 2 bạn là học sinh lớp 9 cũng tham gia chăm sóc ngoại Sáu. Tùy theo lịch học online, 4 bạn sẽ thay phiên nhau đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. “Ban đầu em có chút bỡ ngỡ, nhưng vài ngày sau thì ổn cả. Ngoại thích có người trò chuyện, nên ngoài buổi sáng đi chợ nấu cơm thì buổi chiều em cũng thường ghé thăm ngoại một chút”, Linh chia sẻ. Với các bạn, được thấy ngoại Sáu ăn bữa cơm ngon là niềm hạnh phúc.
Việc làm của nhóm Linh, Loan cũng là công việc nhiều nhóm đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận Thủ Đức đang làm hàng ngày tại nhà các cụ già neo đơn.
Góp sức trẻ để người già hạnh phúc
Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, các bạn đoàn viên cùng hội viên phụ nữ phường Bình Thọ (quận Thủ Đức) đã nấu các bữa ăn sáng, cơm trưa và chiều, nấu các nồi nước mát từ nha đam và mía lau để mang đến nhà các cụ già neo đơn, khuyết tật trên địa bàn phường.
“Lúc có dịch bệnh, ngoài nấu cơm tại phường và mang đến nhà các cụ thì chúng em cũng lau dọn nhà cửa, đi mua nhu yếu phẩm, thuốc men khi các cụ cần. Đến nay, dù không nấu cơm để mang đến nhà các cụ nhưng chúng em vẫn duy trì hoạt động thăm hỏi, dọn dẹp nhà cửa và mua sắm giúp khi các cụ cần”, Bùi Thị Oanh Tiếng, Bí thư Đoàn phường Bình Thọ, cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Quận đoàn Thủ Đức, bên cạnh các hoạt động thường niên như sửa chữa nhà cho đoàn viên, người già khó khăn, biến bãi rác thành công viên, cải tạo kênh rạch thì hoạt động đội hình tình nguyện hỗ trợ người yếu thế được các đoàn viên tham gia nhiệt tình, bởi đây là việc làm ý nghĩa. Trên tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ quận đã chủ động gắn kết với các cụ già neo đơn để giúp đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Các bạn còn xem mình là thành viên trong gia đình để cùng trò chuyện, chăm sóc sức khỏe cho các cụ.
“Nhiều bạn trong đội hình đang là học sinh cấp 2 nhưng rất hăng hái tham gia và xem đây là niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày. Có bạn chưa từng nấu ăn, đi chợ, nhưng sau thời gian ngắn đã rất thành thạo để hoàn thành công việc”, chị Minh Hồng chia sẻ. Hiện đoàn viên quận đang chăm lo 132 cụ già neo đơn. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa để đoàn viên đóng góp sức trẻ, dù nhỏ bé để mang đến hạnh phúc cho người già neo đơn.