Chỉ riêng miền Tây Nam bộ, khắp các con sông, kênh rạch, nơi nào có thể neo đậu đều là bến. Người ta neo ghe đậu lại có khi vài ngày, có khi hàng tháng trời và thậm chí cả hàng năm dài. Người xuôi kẻ ngược, những lo toan cơm áo gạo chợ nước sông, những đắn đo về tương lai hối hả từng ngày qua đi.
Đời sống văn hóa, hồn cốt của bến ghe thuyền, chợ nổi, là những tính cách hào sảng của bà con, là những cây bẹo thay cho tiếng rao hàng - nét văn hóa độc đáo mà các vùng, miền khác không thể có được. Từ bao đời, chiếc ghe nhỏ bé như một ngôi nhà, ghe nào bán hàng còn ôm cả “chợ nhỏ” về những miệt bưng biền, đến với bà con vùng quê.
Trên nóc ghe là những cây bẹo, phía dưới và trong lòng ghe là hàng trăm thứ rau củ, gạo nước, bánh kẹo, dầu muối, trái cây… Xen giữa chuyện mua bán là những lời hỏi thăm sức khỏe, gia đình hoặc gửi đồ cần mua cho chuyến hàng sau. Chỉ có điều, nay nhiều nơi như An Giang, Long An, Đồng Tháp ghe hàng chợ đã vắng bóng dần khi đường sá, chợ búa trên bờ mở mang tiện lợi hơn.
TPHCM nhiều năm nay cũng có những bến đò là nơi neo đậu của rất nhiều phận đời mưu sinh trên sông nước. Có đến xóm ghe trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8) và xóm chài ngay dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) mới thấu hiểu được cuộc sống người dân nơi đây. Như khu chợ nổi Kênh Tẻ trên đường Trần Xuân Soạn, bà con sống trên ghe chủ yếu là dân miệt vườn từ các tỉnh miền Tây và bán đủ thứ trái cây từ chuối, dừa, mận, đu đủ, nhãn, xoài, măng cụt...
Các ghe thương hồ gắn bó với dòng kênh này từ nhiều năm nay, cũng có ghe chỉ đậu chừng vài ba tháng. Dù cũ mới, ngược xuôi, nhưng bà con vẫn giữ cách ứng xử mua bán hào sảng, đậm nét người miền Tây. Họ không kỳ kèo giá với khách, không tranh giành, chèo kéo khách, họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ các ghe thuyền khác từ chuyện chia nhau chai dầu gió, đến chỉ nhau phương cách làm ăn.
Riêng ở xóm chài còn lại duy nhất dưới chân cầu Bình Lợi, nơi này chỉ có chừng hơn 5 chiếc ghe cũ, là nơi ăn chốn ở của 3 gia đình. Mấy chục năm qua, họ vẫn mưu sinh bằng cách đi đánh cá dọc sông Sài Gòn và cả cứu người nữa.
Cuộc sống trên ghe luôn có những khó khăn, không nước sinh hoạt, họ phải mua lại nước sạch từ các hộ dân trên bờ và điện thắp sáng hạn chế. Ngoài việc buôn bán trái cây, nhiều người còn lên bờ làm thuê làm mướn, bốc vác, thợ hồ, bán vé số… Việc đi học của đám nhỏ nhiều khi phải gián đoạn, chuyển qua các lớp học tình thương. Những người chọn cuộc sống cắm sào và “neo” đời mình bên bờ những dòng kênh này còn là bởi họ không đủ tiền thuê nhà trọ, mua nhà cửa đất đai.
Đời người như đời ghe trên sông. Ghe là nhà, sông nước ở lâu dần thành quê. Cũng có đôi lần, trong những sẻ chia nhỏ với bà con trên ghe, thấy mắt họ đỏ hoe khi nhìn chiều ngược đường về tổ ấm xưa cũ, về quê. Họ đã quen đời sông nước, quen vị phù sa và quen những đêm mưa lớn, chiếc ghe cũng tròng trành ngập nước…