Ban đầu, anh kinh doanh chao, món ăn làm từ đậu hũ lên men truyền thống ở Trung Quốc. Điểm khác biệt so với việc buôn bán truyền thống là anh Lục đã tận dụng mạng xã hội và đăng ký kinh doanh thương mại điện tử để thông qua các sàn bán lẻ trực tuyến lớn mở rộng khu vực, hướng đến người tiêu dùng khắp nơi.
Cơ sở hạ tầng băng thông mở rộng, các phương thức mua sắm và thanh toán trực tuyến phát triển, đã tạo điều kiện cho khu vực nông thôn trở thành mảnh đất mới cho sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Tăng trưởng Internet ở Trung Quốc nhận được cú huých lớn vào năm 2015, khi Bắc Kinh công bố chiến lược Internet Plus - một khái niệm tích hợp Internet di động, điện toán đám mây và dữ liệu lớn vào sản xuất và khuyến khích thương mại điện tử phát triển. Sự tăng trưởng này có thể sẽ tiếp tục nâng tầm cao mới, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi ngành viễn thông quốc gia bỏ phí chuyển vùng dữ liệu, giảm phí sử dụng băng thông rộng cho người dân và doanh nghiệp.
Trung Quốc có hơn 600.000 làng xóm, có 772 triệu người dùng Internet và 1,4 tỷ thuê bao di động cuối năm 2017. Theo công ty tư vấn iResearch, năm 2016, ngành thanh toán di động đạt trị giá 5.500 tỷ USD. Công ty nghiên cứu eMarketer dự đoán doanh số bán lẻ của ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ đạt 2.700 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp đôi so với mức 1.500 tỷ USD trong năm nay, chiếm gần 60% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay hầu như người dân ở các vùng nông thôn rộng lớn hoặc vùng sâu vùng xa tại Trung Quốc vẫn chưa quen với việc giao tiếp và đặt hàng như ở khu vực thành thị, nơi người dân sử dụng Internet để xem phim, mua bảo hiểm, thuê xe, tới giao hàng tận nhà…
Quay trở lại câu chuyện của anh Lục, cuối năm 2016, anh kêu gọi đầu tư 142.000 USD mở xưởng chế biến chao và thuê 15 trung niên và vài người già trong làng để chế biến sản phẩm theo công thức gia truyền lấy thương hiệu La Đậu Đậu. Mọi việc đều làm trong nhà xưởng, rất dễ dàng đối với công nhân lớn tuổi.
Lục mở cửa hàng La Đậu Đậu trên Taobao, sàn mua sắm trực tuyến lớn nhất của tập đoàn Alibaba và trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội của tập đoàn Tencent. Năm ngoái, anh bán được hơn 60.000 hộp chao trên mạng trực tuyến và cửa hàng thực phẩm. Nhu cầu mua tăng lên thông qua các nhận xét tích cực trên mạng xã hội nên anh dự định thuê tiếp 30 công nhân nữa, đều là người lớn tuổi trong làng, để tăng lượng sản xuất. Thành công bước đầu khiến anh có thêm tự tin đem lại nhiều sản phẩm mang hương vị thôn quê tới bàn ăn của những gia đình ở thành thị Trung Quốc. “Tổ tiên tôi đã kiếm sống bằng nghề này và bán hàng cho các làng xung quanh. Hồi nhỏ, tôi từng thề sẽ học thật giỏi, rời làng đi và sống cả đời ở thành thị, nay nhờ có sự bùng nổ Internet tôi lại có sự nghiệp tốt hơn khi quay về quê làm ăn” - Lục hồi tưởng. Internet đã mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm để khôi phục cộng đồng địa phương và lưu giữ được các nét đẹp văn hóa truyền thống.