1. Vài năm trước, câu chuyện thưởng tết trở thành đề tài trầm trồ của giới trẻ, khi mức thưởng nhiều nơi lên đến con số trăm triệu. Đây vừa là động lực để người lao động cố gắng, nhưng cũng trở thành áp lực với không ít bạn trẻ, khi câu chuyện lương thưởng không chỉ là con số để tự tin với mọi người, mà còn là nguồn để quyết định tết này “bánh chưng có thịt hay không?”.
Hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, không ít người mất việc, nhảy việc, chuyện thưởng tết năm này cũng chịu cảnh “thôi đành”. Chuyển sang công ty mới chỉ hơn 3 tháng, tết này cầm chắc tiền thưởng vừa vặn một tháng lương, Trần Văn Tiến Dũng (28 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi vừa qua công ty mới nên tết này tiền thưởng không bao nhiêu, còn tiền tiết kiệm trước đó tôi dành đóng khóa học ngoại ngữ để lấy thêm chứng chỉ quốc tế, coi như năm nay đủ ăn đủ xài chứ không dư dả gì hết”.
Chuyện tiền thưởng đôi khi không còn là áp lực với bạn trẻ hiện đại, hai năm dịch bệnh hoành hành là ngoại lực đủ mạnh để những ai ở ngưỡng cửa bước vào đời học cách kiếm thêm nguồn thu phụ. “Không có tiền thưởng, tôi vẫn thoải mái về quê vì hiện tại ngoài công việc ở công ty, tôi nhận thêm một số hợp đồng bên ngoài. Hợp đồng lần này của tôi ở châu Âu, chịu khó làm việc trái múi giờ một chút thì ngày tết vẫn có thu nhập”, Dũng cho biết.
Cùng suy nghĩ, Trần Ngân Giang (30 tuổi, nhân viên tư vấn thẩm mỹ, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Hai năm nay, ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nên đành chịu, nhưng khoảng thời gian nào đi làm được thì mình tranh thủ để dành thôi. Có những tháng, tiền hoa hồng của tôi rất cao, nên tôi lấy đó làm số dư cho mình, cuối năm thưởng tết có nhiều hay ít thì cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu và mình cũng không bị áp lực chuyện tiền nong cuối năm”.
Không chỉ có nguồn thu phụ, tiết kiệm cũng trở thành từ khóa trong giới trẻ khi dịch bệnh chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. “Hồi đó thì làm tháng nào xào tháng nấy, mua sắm đủ thứ. Bây giờ thì khác, rút kinh nghiệm hồi năm 2020, lúc dịch bùng phát và giãn cách xã hội đợt đầu, tôi phải mượn tiền bạn bè để xài tạm. Bây giờ, tháng nào tôi cũng dành một khoản nhỏ coi như phòng thân, để nếu có sự cố như dịch giã, giãn cách thì cũng không đến nỗi túng quẫn”, Tấn Duy (26 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ huyện Bình Chánh) bày tỏ.
2. Câu chuyện “Bao giờ lấy chồng/vợ?” trở thành đề tài “hot” trên mạng mỗi dịp tết, năm này những câu hỏi như thế lại trở thành niềm vui với những bạn trẻ xa quê. Nguyễn Thanh Hưng (26 tuổi, giáo viên thể chất Trường THPT Bình Chánh) tâm sự: “Mới năm rồi thôi, nghe mọi người hỏi câu này còn không vui, chứ năm này nghe được là mừng lắm. Một năm dịch giã, mất mát, mình còn đủ người thân để sum vầy, hỏi thăm nhau là quý rồi. Câu trả lời tùy mình thôi, cô bác trong nhà hỏi, mình cứ lựa lời mà đáp, còn không thì cười trừ, đâu có gì phải nặng nhẹ cho mất không khí gia đình”.
Trong khi đó, Minh Thi (nhà ở quận 8, quê huyện Cần Giuộc, Long An) cho hay, năm nay bạn sẽ về quê ăn tết vài ngày và sẵn sàng đối diện áp lực. Bạn kể: “Hồi trước, về quê, họ hàng bà con hay hỏi - con làm lương nhiêu, có nhà chưa, có xe chưa, sao hoài không thấy lấy chồng? Giờ thì về quê, dù tuổi cũng hòm hòm 35, nhưng chắc chắn không ai hối lấy chồng nữa, mà chỉ hỏi - con có từng là F0, hay có ho sốt gì hơm? Nghe thấy vui vui nhưng cũng cay cay khóe mắt…”.
Năm nay, nhiều bạn trẻ như Minh Thi cũng sẽ chọn về quê. Đường về nhà, dù gần hay xa cũng là con đường về với tình thân.
Năm nay, tại nhiều đô thị lớn như TPHCM, người trẻ xa nhà gác lại chuyện về quê không phải là điều hiếm hoi… Và có nhiều bạn trẻ, sau một năm khó khăn, mất mát thì chọn về quê cũng là một giải pháp tinh thần. Ảnh hưởng của dịch bệnh cùng đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua khiến đường về nhà năm này còn nhiều trăn trở, và giá trị đoàn viên trong mùa xuân mới cũng được bạn trẻ nhìn nhận ở những góc độ khác nhau, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chính mình.