Ăn miếng trả miếng
Hồi đầu tháng 4, Mỹ đã công bố danh sách 1.300 mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế 25%. Tuy nhiên, danh sách trị giá 50 tỷ USD này chưa bao gồm những sản phẩm tiêu dùng như quần áo, điện thoại di động, giày dép. Giới chuyên gia nhận định, việc loại bỏ các mặt hàng này nhằm giảm thiểu tác động tới người tiêu dùng và hạn chế chỉ trích từ dư luận Mỹ. Như vậy, danh sách 50 tỷ USD nói trên mới chỉ là khởi động. Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin tại Washington cho biết, Nhà Trắng đang xây dựng danh sách mở rộng những mặt hàng tiếp theo từ Trung Quốc là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Danh sách mới trị giá 100 tỷ USD, gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ hiện xem xét kế hoạch “cấm cửa” dòng đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ. Washington lo ngại trước thực tế Bắc Kinh dành những khoản hỗ trợ khổng lồ cho ngành công nghệ cao trong nước, nhằm giúp Trung Quốc soán ngôi của Mỹ, trở thành cường quốc công nghệ số một thế giới. Một quan chức Bộ Tài chính cho biết, hạn chế đầu tư chống Trung Quốc có thể là lệnh cấm dài hạn, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh chấp nhận điều chỉnh chính sách thương mại. Dù các nhóm doanh nghiệp Mỹ lo sợ những cú móc tỷ USD của Washington với Trung Quốc có thể phản tác dụng, nhưng Nhà Trắng chẳng hề nao núng. Một quan chức Nhà Trắng mạnh miệng: “Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực lớn hơn nữa trước khi chấp nhận những đề nghị từ Trung Quốc”.
Bắc Kinh cũng đáp trả nhanh chóng và quyết liệt không kém. Sau khi Mỹ công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD và nông dân Mỹ là những người đầu tiên phải trả giá. Để hạn chế sự bất mãn từ các cử tri, nội các của Tổng thống Donald Trump đang xây dựng kế hoạch đền bù trị giá nhiều tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng.
Hôm 13-4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố xem xét tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Động thái này được cho là nhằm tập hợp lực lượng, kiềm tỏa ảnh hưởng thương mại và chính trị của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ lo ngại Washington sẽ từ bỏ những cam kết quốc tế tại khu vực.
Trung Quốc đáp trả bằng cách kết nối với các quốc gia bất mãn với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Tân Giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết Thượng Hải và London đã đạt thỏa thuận liên kết giao dịch chứng khoán, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.
Giơ cao đánh khẽ
Theo giới chuyên gia, mang tiếng là chủ trương mở cửa thị trường, nhưng luật thương mại của Mỹ “cực kỳ tinh vi” và có nhiều phương tiện để áp dụng các biện pháp bảo hộ. Tiết lộ của nhật báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal, trước công luận, đôi bên đều dùng những lời lẽ rất cứng rắn để nhắm vào đối phương, nhưng ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh kín đáo đàm phán để tránh nổ ra một cuộc chiến thương mại. Trong ngày 25-4, chính Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ cử một phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, cùng các quan chức khác thăm Trung Quốc để đàm phán về các vấn đề thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Theo ông Donald Trump, Trung Quốc “rất nghiêm túc” trong việc tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp thương mại hiện tại với Mỹ và Mỹ cũng sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này. Ông Donald Trump cho biết, các quan chức Trung Quốc đã đến Mỹ và giới chức hai nước đã có các cuộc thảo luận quan trọng, thực chất về thương mại bên lề Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington.
Thực tế, Mỹ và Trung Quốc có khoảng 2 tháng để đưa ra quyết định sau cùng trước khi các biện pháp trừng phạt lẫn nhau có hiệu lực. Trong 2 tháng, nhiều chuyển biến có thể xảy ra, nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Mỹ đều nỗ lực vận động hành lang. Nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh ý một chút, người ta sẽ nhận ra rằng trong vô số những mặt hàng “Made in China” đều có những đóng góp “trị giá gia tăng” từ phía Mỹ. Ngược lại, không ít những lĩnh vực công nghiệp của Mỹ, trên đất Mỹ, phải nhập linh kiện từ Trung Quốc.
Một dấu hiệu khác cho thấy, dù có những lời lẽ cứng rắn bề ngoài nhưng đôi bên cùng đang kiềm chế. Trong số hơn 120 mặt hàng của Mỹ bị Bắc Kinh dọa áp thuế, Bộ Thương mại Trung Quốc tránh đả động đến đậu nành. Năm 2017, Trung Quốc là khách hàng mua 1/3 sản lượng của các nông dân Mỹ với doanh thu tới 14 tỷ USD.
Tác hại tiềm tàng
Lý giải về nguyên nhân sâu xa việc Nhà Trắng ráo riết “mặc cả” với Trung Quốc và châu Âu, đài RFI bình luận, một cuộc chiến thương mại nổ ra lúc này có thể gây thiệt hại không ít cho Tổng thống Mỹ trên bình diện chính trị, nhất là năm nay lại là năm bầu cử giữa nhiệm kỳ, vì những bang phải gánh hậu quả là những nơi đã bầu cho ông vào năm 2016.
Chuyên gia về thương mại quốc tế Monica De Bolle, thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), giải thích là “trong mọi trường hợp, biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ nhắm vào những bang của đảng Cộng hòa và nông nghiệp”. Trung Quốc đã lập một danh sách 128 sản phẩm Mỹ, trong đó trái cây và thịt heo sẽ bị thuế 15% - 25%, nếu thương lượng với Washington thất bại. Đây là động thái trả đũa việc Mỹ đánh thuế chống phá giá trên thép, nhôm và cả những đe dọa thuế đánh thêm 100 tỷ USD. Trước đó, châu Âu cũng đã lập một danh sách hàng chục sản phẩm của Mỹ sẽ bị thuế nặng, từ thuốc lá, gạo, nước cam, bơ đậu phộng đến mô tô Harley Davidson… có thể gây thiệt hại cho những bang nhạy cảm về mặt chính trị đối với ông Donald Trump.
Washington đang thương lượng với Bắc Kinh và Brussels. Nếu không xong, theo chuyên gia Monica De Bolle, Trung Quốc sẽ sử dụng đến “trọng pháo” đậu nành của Mỹ. Ông Donald Trump sẽ rất vất vả trong việc lôi kéo cử tri các tiểu bang Illinois, Minnesota, Kansas… vốn lệ thuộc vào việc xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc. Còn biện pháp trả đũa của Trung Quốc là nhắm vào thịt heo nhập từ Mỹ, đánh thuế 25%. Bang Iowa sẽ bị mất mát nặng nếu Bắc Kinh không nương tay. Đây cũng là bang đã giúp ông Donald Trump thắng cử vừa qua, trong khi 2 lần bầu cử trước, bang này đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Obama. Chỉ cần bất bình, cử tri các bang không đi bỏ phiếu là tác động đến cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ vào ngày 6-11 năm nay.
Trong bối cảnh này, Edward Alden, chuyên gia ở Council of Foreign Relations, đánh giá, ông Donald Trump sẽ làm đủ mọi cách để tránh sự trả đũa của Trung Quốc và châu Âu. Trong quá khứ, việc trả đũa nhắm vào sản phẩm các bang nhạy cảm đã lãnh đủ hậu quả... Dù vậy, giới phân tích cũng ghi nhận, đối với ông Donald Trump, bối cảnh có khác, việc áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm Trung Quốc là thực hiện lời hứa lúc tranh cử. Chính nhờ những lời hứa này mà các bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đã bầu cho ông. Hơn nữa, cho đến giờ, Tổng thống Mỹ và các cố vấn của ông luôn nêu bật vấn đề quyền lợi quốc gia, bảo vệ doanh nghiệp và công ăn việc làm của người Mỹ. Theo Edward Alden, ông Donald Trump đang đánh cược trên cử tri các bang chịu thiệt thòi do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, họ sẽ ủng hộ khi thấy ông chống Trung Quốc về thương mại.