Theo tờ Les Echos, viễn cảnh kinh tế Pháp tăng trưởng chậm khiến việc đạt mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách càng thêm phức tạp. Cho tới nay, Chính phủ Pháp vẫn hy vọng có một mức tăng trưởng mạnh để có thể vừa tiến hành các cải tổ vừa cắt giảm thâm hụt ngân sách. Bây giờ câu hỏi đặt ra là có nên giảm bớt chi tiêu, để thâm hụt ngân sách không tăng quá cao với nguy cơ là các biện pháp cải tổ sẽ có tác động tiêu cực lên tăng trưởng, hay cứ để thâm hụt ngân sách tăng cao, để không ảnh hưởng hơn nữa lên tăng trưởng kinh tế của Pháp. Trong khi đó, theo tờ Le Figaro, dự thảo ngân sách 2019 sẽ được đệ trình vào cuối tháng 9, sẽ là dịp để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện quyết tâm cải cách hoặc thừa nhận việc từ bỏ các cải cách.
Bên cạnh “cơn đau đầu” liên quan đến tăng trưởng và thâm hụt ngân sách, Chính phủ Pháp còn đang phải lên kế hoạch cắt giảm biên chế, với mục tiêu giảm 4.500 nhân sự trong các cơ quan chính phủ trong năm 2019 và 10.000 người trong năm 2020. Đây là cam kết của Tổng thống Pháp đưa ra trong chiến dịch tranh cử, theo đó giảm 120.000 nhân sự khu vực công, trong đó có 50.000 người thuộc cơ quan trung ương, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình. Hiện chưa có ai dám chắc chắn rằng lời cam kết trên có thể thực hiện được hay không.
Khó khăn vẫn chưa buông tha Tổng thống Pháp khi Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 28-8 vừa qua. Theo tờ Les Echos, việc nhân vật được xem là số 3 trong chính phủ từ chức đã làm bùng lên một cuộc “khủng hoảng chính trị”, gây thêm rắc rối cho công việc của Chính phủ Pháp. Hành động của ông Nicolas Hulot còn là một vố đau cho bản thân Tổng thống Pháp khi mà cách đây hơn 1 năm, ông Emmanuel Macron đã tỏ ra rất hãnh diện vì thuyết phục được nhà đấu tranh sinh thái rất được lòng dân này tham gia chính phủ, điều mà 2 tổng thống tiền nhiệm là ông Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande đều không làm được. Sự ra đi của vị bộ trưởng mang tính biểu tượng nhất trong Chính phủ Pháp sẽ khiến Tổng thống Emmanuel Macron bị mất uy tín đáng kể bởi sự có mặt của ông Nicolas Hulot trong nội các từng cho phép Tổng thống Pháp tự hào về khả năng đổi mới đời sống chính trị của ông.
Ông Bernard Sananes, Chủ tịch Viện Thăm dò Elabe, nhận định, Tổng thống Pháp sẽ phải đối đầu với nhiều làn gió ngược hơn so với năm đầu của nhiệm kỳ. Trước hết, dư luận cảm thấy kinh tế Pháp không được cải thiện đáng kể, dù cũng không tồi tệ hơn. Thứ hai, trong hồ sơ cải tổ châu Âu, trọng tâm của ông Macron dường như khó đạt được các tiến bộ. Và cuối cùng, uy tín của ông Macron đang bị sụt giảm rất mạnh khi có đến 33% dân Pháp không tin tưởng ông chút nào, mức kỷ lục kể từ khi ông đắc cử tổng thống.