Chiều 14-4, lần đầu tiên UBND TPHCM đã tổ chức họp giao ban với lãnh đạo 24 quận huyện cùng các sở ngành liên quan về vấn đề quản lý đô thị. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề bức xúc được xới lên và tháo gỡ kịp thời.
Nhiều chung cư và khu nhà ở mới đã và đang mọc lên ở phía Đông TPHCM. Ảnh: Thái Bằng
Nóng bỏng nhà chung cư “đưa lụi” dân vào ở
Câu chuyện nhà chung cư trở nên nóng bỏng tại cuộc họp, đặc biệt là vấn đề nhà chung cư xây dựng chưa được nghiệm thu đã được chủ đầu tư bố trí dân vào ở, hết sức nguy hiểm vì không an toàn.
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, trên địa bàn có trường hợp dự án chung cư do Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Đất Xanh làm chủ đầu tư, chưa hoàn tất các hạng mục nhưng chủ đầu tư đưa ra giấy nghiệm thu của cơ quan phòng cháy chữa cháy, thế là bố trí dân vào ở. Thực chất, việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy chỉ là một trong các hạng mục mà chủ đầu tư phải hoàn thành, trong khi xây dựng chưa xong, buộc quận phải sử dụng phương thức gần như cưỡng chế, để không cho dân vào ở.
Điều tương tự cũng xảy ra tại quận Gò Vấp, đặc biệt là các chung cư có nguồn gốc đất quốc phòng. Các mâu thuẫn xảy ra bao gồm việc thành lập Ban quản trị, bàn giao phí bảo trì 2%, cũng như bàn giao hạ tầng. “Quận tiếp xúc nhiều lần nhưng hầu như các đơn vị này không hợp tác. Ví dụ như chung cư Hà Đô, không thể ngăn cản người dân vào ở khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ, cũng không thể trục xuất người dân ra được, nhưng khi người dân vào ở thì không an tâm vì không an toàn. Kiến nghị Sở Xây dựng hướng dẫn cách quản lý, hình thức xử phạt để đảm bảo quyền lợi người dân đang cư ngụ trong chung cư”, lãnh đạo quận Gò Vấp đề xuất. Chung cư chưa xây dựng xong mà bố trí dân vào ở cũng xảy ra tại dự án chung cư do Công ty cổ phần Tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, tại huyện Hóc Môn. Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, dự án chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư đã bố trí hơn 100 cư dân vào ở. Địa phương rất khó khăn để di dời các hộ dân này, huyện đã có văn bản báo cáo UBNDTP sự việc.
Trả lời các thắc mắc của quận - huyện, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, sở dĩ xảy ra trường hợp trên là vì chủ đầu tư bị áp lực với khách hàng, tiến độ bàn giao nhà không đảm bảo nên đưa khách hàng vào ở; bản thân người dân cũng biết chuyện này nhưng vì nhu cầu bức xúc nhà ở nên chấp nhận. Sở đã tiến hành kiểm tra xử lý, thậm chí thành lập tổ công tác, trong đó có quận, phường phối hợp xử lý. Sở thành lập riêng một tổ công tác để tập trung chuyên đề về xử lý các vấn đề chung cư; tiếp tục phối hợp với quận, huyện xử lý vấn đề này.
Về vấn đề không được kinh doanh trong chung cư, theo quy định của Luật Nhà ở, đối với các hộ dân sử dụng tầng trệt chung cư vừa ở vừa kinh doanh, thì không nên áp dụng máy móc. Đối với các dự án mới sau này, trong thiết kế gọi là shophouse, vừa ở vừa kinh doanh; còn các chung cư trước đây phục vụ tái định cư, ưu tiên bố trí cho các hộ tầng trệt, mặt tiền cũng chính là để cho họ kinh doanh. Đối với trường hợp khác, thiết kế công năng không phải để ở mà là sử dụng cho mục đích thương mại, dịch vụ hoặc để xe thì phải xử lý.
Rà soát công khai quỹ đất
Nhiều vấn đề tại cuộc họp đã được xử lý kịp thời, như dự án xây dựng Trường Nguyễn Khuyến quận 4, bị vướng giải phóng mặt bằng. Theo lãnh đạo quận 4, hiện tại còn 25 trường hợp vướng từ năm 2012 đến nay, nguyên nhân vì Công ty Rau quả bố trí sai thẩm quyền, sai công năng. Theo đó, Công ty Rau quả không đưa khu đất này vào khi cổ phần hóa, trong khi người dân đã ký hợp đồng mua bán với công ty. Do đó, khi nói bố trí sai công năng thì người dân không đồng ý. UBND quận 4 gửi công văn xin ý kiến từ tháng 12-2016 nhưng đến nay Sở Tài chính chưa trả lời. Trả lời tại cuộc họp, ông Tạ Quang Vinh, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Đối với 25 trường hợp này được bán trước khi cổ phần hóa, trong tuần tới Ban chỉ đạo 09 sẽ có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư bồi thường theo quy định hiện hành”.
Lãnh đạo một số quận huyện nêu tình trạng nhà ổ chuột mới ở vùng ven đang xuất hiện, đó là “nhà ba chung”. Các đầu nậu lợi dụng kẽ hở pháp luật, chia tách nhỏ khu đất để bán nhà giá rẻ. Ví dụ, khu đất 1.000m2, xin giấy phép xây dựng công trình nhưng bên trong ngăn vách chia thành nhiều căn nhà nhỏ rồi bán. Điều đó dẫn tới chất lượng nhà ở, chất lượng hạ tầng và quy hoạch không đảm bảo. “Lãnh đạo thành phố chỉ đạo nghiên cứu vấn đề này để đưa vào Quyết định 33 sửa đổi (quy định tách thửa) mà TP đang soạn thảo. Khi đi thực tế, chúng tôi thấy rằng, đầu nậu mua đất của người nông dân, nhưng họ không sang tên. Người nông dân vẫn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đứng tên trên giấy phép xây dựng luôn, trong giấy chứng nhận còn nợ nghĩa vụ tài chính, người mua nhà giá rẻ không biết điều đó. Việc này dễ phát sinh hậu quả phức tạp”, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng đề xuất. Tất nhiên, sự việc được sự chấp thuận của lãnh đạo TP.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại các dự án, đặc biệt là nguồn lực từ đất, để sử dụng hiệu quả nhất. Các dự án chậm triển khai với lý do không chính đáng, mạnh dạn đề xuất thu hồi. “Đối với quỹ đất dùng cho đầu tư BT, hiện nay có tình trạng các nhà đầu tư đi tìm hiểu đất, rồi hai ba ông cùng chỉ vào một miếng; người được người không sẽ dẫn đến tình trạng không công khai, minh bạch. Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp trung tâm khai thác quỹ đất, Ban chỉ đạo 09… rà soát, hệ thống lại, công khai. Những dự án cấp bách quan trọng mà thành phố ưu tiên thì đương nhiên sẽ dành cho đầu tư BT”, đồng chí Lê Văn Khoa chỉ đạo.
Lo lắng cho tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại khu Nam, đồng chí Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp huyện Bình Chánh và các ngành, ngay từ bây giờ tính toán bằng nhiều phương thức khác nhau, làm việc với bãi rác Đa Phước để có giải pháp xử lý triệt để…
LƯƠNG THIỆN