Dời cảng ra khỏi nội thành TPHCM: Có hoàn tất vào 2010?

Kiến nghị tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 tối thiểu 45m
Dời cảng ra khỏi nội thành TPHCM: Có hoàn tất vào 2010?

Ngày 12-5-2008, Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son đã họp phiên đầu tiên tại Hà Nội. Chủ trì cuộc họp là ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Trưởng ban. Cuộc họp đã kiểm điểm tiến độ thực hiện quy hoạch di dời…
 
Công ty cổ phần Tư vấn cảng - Kỹ thuật biển (Port Coast) - đơn vị lập quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son đã có một bản báo cáo khá chi tiết về việc thực hiện quy hoạch này.

Dời cảng ra khỏi nội thành TPHCM: Có hoàn tất vào 2010? ảnh 1
Bốc dỡ hàng tại cảng Sài Gòn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo Port Coast, trong 5 đơn vị phải di dời trước năm 2010 (như quy hoạch) là Tân Cảng, cảng Sài Gòn, cảng Rau Quả, cảng Tân Thuận Đông và Nhà máy đóng tàu Ba Son thì chỉ có Tân Cảng đã bứt lên, hoàn thành nhiệm vụ trước 2 năm. Các đơn vị còn lại vẫn còn bộn bề với nhiều khó khăn.
 
Đứng đầu là Cảng Sài Gòn, đơn vị phải di dời tới 2 cảng: Nhà Rồng và Khánh Hội - trước 2010. Ông Lê Công Minh - Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị là chưa giải phóng xong mặt bằng nơi "ở" mới của 2 cảng là khu vực Hiệp Phước của huyện Nhà Bè. Tại đây, TPHCM đã có chủ trương giao cho cảng Sài Gòn 100 ha để xây dựng cảng theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1, xây dựng 800m cầu cảng cùng các cơ sở vật chất phục vụ cho việc lai dắt tàu, sửa chữa tàu… rộng khoảng 54 ha và giai đoạn 2, xây dựng 1.000m cầu cảng cùng các kho bãi… Tuy nhiên, ngay cả việc giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 cũng mới "hòm hòm" 50%. "Nếu đến quý 3-2008 mà việc giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 không hoàn tất được thì đơn vị khó có thể triển khai xây dựng cảng mới hòng kịp di dời cảng Nhà Rồng và Khánh Hội ra đấy theo kế hoạch" ông Minh nói.
 
Thế nhưng, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Một khó khăn khác nếu không sớm được giải quyết cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ di dời của cảng Sài Gòn. Đó là cảng… không đủ tiền để di dời và xây dựng cảng mới.

 Kiến nghị tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 tối thiểu 45m 

Cảng Sài Gòn cho biết, để cảng Nhà Rồng và Khánh Hội có thể chuyển thành cảng hành khách, tiếp nhận được những con tàu lớn thì tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7 phải tối thiểu là 45m.

Trong khi đó, hiện nay tàu khách loại lớn ra, vào TPHCM ngày một nhiều phục vụ tích cực cho hoạt động du lịch của TPHCM. Do vậy, nhiều cảng ở đây đã đồng loạt đề nghị TPHCM cân nhắc kỹ khi đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. 

Theo ông Minh, tổng mức đầu tư xây mới cảng Nhà Rồng và Khánh Hội giai đoạn 1 ở Hiệp Phước vào khoảng 2.700 tỷ đồng, trong khi đó cảng Sài Gòn chỉ có thể có gần 10% trong số này. Cảng Sài Gòn đã liên doanh liên kết với một số đơn vị để xây cảng nhưng cảng Sài Gòn vẫn phải gánh phần nặng nhất. Ông Minh cho biết, hiện nay cảng Sài Gòn đang kỳ vọng vào việc các ban ngành liên quan cho phép chuyển đổi chức năng của 2 cảng Nhà Rồng và Khánh Hội hiện hữu thành cảng hành khách và kinh doanh một số dịch vụ khác nhằm có tiền đầu tư cảng mới. Tuy nhiên, vấn đề này lại phụ thuộc vào quy hoạch khu vực trung tâm TPHCM có thích ứng với nguyện vọng của cảng Sài Gòn hay không.

Giống như cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son cũng đang rất thiếu tiền đầu tư xây nhà máy ở nơi mới là khu vực Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy đóng tàu Ba Son cũng kỳ vọng vào việc chuyển đổi mục đích sử dụng của Nhà máy đóng tàu Ba Son hiện hữu để tìm ra nguồn vốn đầu tư cho nhà máy mới. Bao giờ quy hoạch khu vực trung tâm TPHCM hoàn thành? Theo kế hoạch của TPHCM là đến tháng 9-2008 nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Hữu Tín - có mặt tại cuộc họp đã cam kết sẽ ưu tiên làm quy hoạch trước ở những khu vực cảng cần chuyển đổi công năng.
 
Cảng Tân Thuận Đông, theo kế hoạch cũng sẽ được di dời ra Hiệp Phước huyện Nhà Bè TPHCM. Port Coast cho biết, hiện nay TPHCM đang làm các thủ tục để giao đất cho Tân Thuận Đông. Còn cảng rau quả thì xin ngưng kinh doanh cảng và xin sử dụng mặt bằng hiện hữu để kinh doanh ngành nghề khác.
 
Như vậy, vấn đề hiện nay của các cảng chưa di dời là giải phóng mặt bằng cho nơi "ở" mới và tìm nguồn vốn đầu tư. Hai vấn đề không dễ giải chút nào. Vì thế, liệu các cảng có kịp di dời ra khỏi nội thành TPHCM trong năm 2010 như kế hoạch không vẫn là câu hỏi khó trả lời

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục