Trước sức ép từ các doanh nghiệp xuất khẩu, Ấn Độ đã tăng cường đàm phán FTA với một số đối tác thương mại lớn như Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ Piyush Goyal hôm 3-1 cho biết, Ấn Độ đang nỗ lực hướng tới các hiệp định thương mại tự do với 5 quốc gia gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Australia, Canada và Israel.
Quá trình đàm phán với các nước này đang trong các giai đoạn tiến triển khác nhau, từ sắp hoàn tất cho tới chuẩn bị khởi động bằng những chuyến thăm. Không giống nhiều cuộc đàm phán thương mại khác của Ấn Độ kéo dài nhiều năm mà không có kết quả, triển vọng đàm phán FTA giữa Ấn Độ và Anh được đánh giá là khá hơn do nhu cầu của cả hai bên.
Thỏa thuận ban đầu sẽ là một phần của FTA rộng lớn hơn với việc giảm thuế cho một loạt mặt hàng, tạo thuận lợi cho đầu tư và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ, hàng hóa nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại song phương. Anh và Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương vào năm 2030 so với mức hơn 15,4 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước, trong đó có mức thuế cao của Ấn Độ đối với rượu và ô tô. Anh muốn dỡ bỏ các mức thuế 150% đối với rượu Whisky và 125% đối với ô tô nhập khẩu.
Tờ Al Jazeera bình luận, các FTA phản ánh những cuộc tranh luận sôi nổi về toàn cầu hóa trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Một mặt, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ thực sự phát triển sau khi nước này mở cửa đón nhận các khoản đầu tư quốc tế vào những năm 1990. Mặt khác, các lực lượng của toàn cầu hóa - ở khắp mọi nơi - cũng đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và khiến các nhà sản xuất trong nước dễ bị tổn thương khi đối mặt với hàng nhập khẩu rẻ hơn từ nước ngoài.