Chiều 20-5, tại hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là dự án Luật) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án này.
Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 7) theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề nghị của Chính phủ.
Cơ bản tán thành quy định phạm vi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và quy định xử lý đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý theo dự thảo, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và xác định đây là trách nhiệm trong quá trình hoạt động của chủ thể này, nhưng không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
“Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bảo hiểm rất thấp để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ”, ông Nguyễn Khắc Định nhận xét và đề nghị bổ sung vào dự thảo một số quy định cụ thể về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Phân tích điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học (trình độ chuyên môn cao) hoặc chứng chỉ đào tạo (chỉ có tính chất bồi dưỡng chuyên môn trong một thời gian ngắn) là chưa bảo đảm sự tương xứng về yêu cầu trình độ chuyên môn. Việc quy định có bằng trên đại học là không cần thiết, vì Luật chỉ cần xác định tiêu chuẩn tối thiểu là đủ.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, liên quan đến quy định bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện chi phí hợp lý để thuê luật sư, bồi thường thiệt hại do hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (khoản 4 và khoản 5 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc bổ sung quy định này, nhưng đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc xác định hành vi lạm dụng thủ tục hoặc giải thích thuật ngữ “lạm dụng thủ tục” làm cơ sở cho Tòa án nhân dân xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí hợp lý thuê luật sư trong trường hợp này.
Về quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan hải quan (khoản 1 Điều 218 của Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 11 của dự thảo Luật), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: (i) hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, (ii) hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, và (iii) hàng hóa sao chép lậu. Như vậy, có thể hiểu quy định sửa đổi tại khoản 1 Điều 218 áp dụng đối với cả 3 loại hàng hóa nêu trên.
Trong khi đó, Hiệp định CPTPP (Điều 18.76.4) quy định việc kiểm soát biên giới chỉ áp dụng đối với hai trường hợp hàng hóa bị nghi ngờ là (i) hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc (ii) hàng hóa sao lậu quyền tác giả. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại quy định này phù hợp với phạm vi đã cam kết trong Hiệp định CPTPP.