Được biết, dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (hợp đồng BT).
Giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực
Tốc độ phát triển hạ tầng đô thị ở khu Đông của TPHCM đang rất nhanh, lượng dân cư về đây sở hữu nhà, đất ngày một tăng, vì vậy để giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực này luôn là bài toán khó cho công tác quy hoạch cũng như nguồn vốn đầu tư của thành phố trong thời gian qua. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức công - tư (PPP) là một trong những hình thức xã hội hóa nguồn vốn nhằm phát triển hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Và dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 đang được thành phố chọn hình thức này.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 hiện nay là rất cần thiết, cấp bách, để giúp giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Nó sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7.
Bên cạnh đó nó cũng sẽ giúp kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tương lai rất gần.
Chính vì sự cần thiết và cấp bách này, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận một số nội dung như: đầu tư dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP (theo hợp đồng BT); Thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư là liên danh gồm một nhóm các công ty xây dựng, bất động sản, phát triển hạ tầng thực hiện dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13…
Quy mô cầu và quỹ đất hoán đổi
Theo báo cáo khả thi của dự án, tổng chiều dài của cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 2.160m, trong đó cầu chính từ bờ quận 7 qua đến hết cầu phía quận 2 gồm 6 làn xe; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7, từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát gồm 2 làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 gồm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 5.253,94 tỷ đồng.
Theo dự kiến, thành phố sẽ dùng 11 lô đất thuộc khu chức năng số 3, 4 (khu đô thị mới Thủ Thiêm) với tổng diện tích gần 100.000m² (ước tính giá trị khoảng 3.200 tỷ đồng) để thanh toán chi phí xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4.
Về quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (phía quận 7) và chi phí khác là khu đất tại số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 1, diện tích 1.186,3m²; khu đất tại số 1310 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 5.300m²; khu đất tại số 11 Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 11.764m²; khu đất tại số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, diện tích 7.000m².
Có thể nói, trong bối cảnh TPHCM đang bị quá tải tình trạng giao thông đô thị, thì việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc xã hội hóa nguồn vốn cho lĩnh vực này là vô cùng quan trọng. Vì vậy, xây dựng hạ tầng theo hình thức công-tư (PPP) hiện rất cần thiết cho xây dựng hạ tầng thành phố hiện nay.