“Đọc vị” những chỉ số cải cách, cạnh tranh

Với một thành phố năng động mà chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian cũng… lao dốc khi giảm lần lượt là 12 và 16 bậc trên bảng xếp hạng chung của cả nước so với năm 2022 thì bài toán cải thiện phải được tính từ… gốc. Cần đối diện thực tế: thủ tục và sức vận hành của bộ máy hành chính, của các quy định vẫn là lực cản.

Ba ngày sau khi tổ chức hội nghị công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, quận huyện (DDCI) của TPHCM năm 2023, triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số Par Index (chỉ số Cải cách hành chính), PAPI (chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và chỉ số PCI (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của TPHCM năm 2024, UBND TPHCM đã lập 5 đoàn công tác để kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính trong 2 tháng (tháng 5 và 6-2024).

Đoàn tập trung vào các chỉ số: công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Nhìn trên tổng thể thì ở tất cả các bộ chỉ số Par Index, PAPI, PCI của TPHCM trong năm qua đều thăng hạng. Tuy nhiên, mức độ tăng vẫn còn thấp và chưa đạt mục tiêu. Vấn đề không chỉ ở điểm số mà quan trọng là những thông tin, đánh giá khách quan, thực chất và tín hiệu chuyển tải từ PAPI hay PCI, Par Index cần được “đọc vị”, được ghi nhận, tham khảo, sử dụng để nhận diện đúng tình hình, từ đó bổ sung cho việc quản trị công của TPHCM ngày một chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Các chỉ số gắn với “thước đo” nhu cầu thiết yếu của người dân cho một số vấn đề mang tính cơ bản. Ví dụ, kết quả chỉ số về sự tham gia của người dân không có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua đã bộc lộ 3 vấn đề: đặc điểm của một đô thị lớn với nhiều thành phần dân cư phần nào hạn chế mối gắn kết, liên hệ cộng đồng vào đời sống xã hội; mô hình tự quản cơ sở đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác truyền thông đến người dân đang bị nghẽn. Cải thiện chỉ số trên còn liên quan đến quá trình triển khai Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

TPHCM đang chuyển đổi xanh, nhưng nhiều kênh thông tin và tương tác với người dân vẫn còn thiếu tiện ích, hữu dụng. Vẫn có đến trên 46% lựa chọn sẽ mua phương tiện chạy bằng xăng. Tương tự, ở 3 lĩnh vực thiết yếu hàng đầu đối với người dân là thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, sự quá tải của hệ thống giáo dục và y tế, ô nhiễm môi trường, đã không ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện.

Trong hệ thống điều hành và quản lý nhà nước, mặc dù điểm tăng đạt trên mức trung bình, tức 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2022 nhưng có 2 chỉ số thành phần sụt giảm mạnh là Cạnh tranh bình đẳng (giảm 0.71 điểm) và Tiếp cận đất đai (giảm 0.62 điểm). Điều đáng lo khi đây là 2 chỉ số chiếm trọng số 10% trong cơ cấu tính điểm, hơn thế cả hai cũng chính là điều kiện tiên quyết và là cơ hội trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Với một thành phố năng động mà chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian cũng… lao dốc khi giảm lần lượt là 12 và 16 bậc trên bảng xếp hạng chung của cả nước so với năm 2022 thì bài toán cải thiện phải được tính từ… gốc. Cần đối diện thực tế: thủ tục và sức vận hành của bộ máy hành chính, của các quy định vẫn là lực cản.

Điểm tích cực là một trong 3 chỉ số thành phần chiếm trọng số 15% là Chi phí không chính thức tăng đến 14 bậc. Đó là hiệu ứng tốt mà cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang lại (cộng với chỉ số Kiểm soát tham nhũng khu vực công trong PAPI cũng tăng ở cả cấp độ quốc gia cũng như TPHCM).

Cùng với điểm sáng từ chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều tăng mạnh đang cho thấy một đội ngũ lãnh đạo thành phố “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước các quyết sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Điều cần quan tâm là chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đánh mất vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Với trọng số 15% thì chỉ số này là một trong những nguyên nhân khiến kỳ vọng cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của TPHCM bị trì hoãn. Và đó cũng là những vấn đề trọng tâm mà các đề án, chương trình, hay nỗ lực của lãnh đạo TPHCM quyết tâm cải thiện trong 6 tháng còn lại của năm 2024.

Tin cùng chuyên mục