Ngổn ngang, dang dở
Hơn 2 năm qua, nhiều người lưu thông qua tuyến đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức) đều lắc đầu ngao ngán vì lưu thông luôn trong tình trạng ùn ứ. Mặt đường nham nhở, nhấp nhô; một vài đoạn bị đào xới lên hoặc trải nhựa một đoạn rồi bỏ dang dở. Công trường ngổn ngang, lởm chởm đất, đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhiều nơi, các dải phân cách bê tông bị vỡ được xếp san sát nhau làm chỗ bơm, vá vỏ xe. Để cảnh báo các phương tiện không được lưu thông vào khu vực đang thi công, đơn vị thi công dựng các cục bê tông làm dải phân cách tạm.
Điều hết sức lo ngại là tuyến đường Đồng Văn Cống thường xuyên bị quá tải do lượng xe ra vào cảng Cát Lái đông đúc. Những ngày cao điểm, dòng xe xếp hàng dài cả kilômét gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người đi đường, nhất là người chạy xe gắn máy.
Tài xế Trần Minh Thắng, lái xe container thường xuyên qua lại tuyến đường, bức xúc: “Hơn hai năm qua, mỗi lần xe vào cảng Cát Lái giao nhận hàng, đi qua đoạn này là tôi ngán ngẩm vì phương tiện chạy loạn xạ. Ban ngày còn thấy mà tránh chứ ban đêm rất nguy hiểm, xe lúc nào cũng đông. Bình thường không sao nhưng có những ngày kẹt xe, anh em tài xế chúng tôi rất khổ sở vì chậm trễ giờ giao nhận hàng, không chỉ gây thiệt hại cho chủ hàng mà chúng tôi cũng không kịp quay đầu cho đủ số chuyến”.
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống dài 2,8km, khởi công từ tháng 2-2020, với vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Về quy mô, mặt đường sẽ mở rộng thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe, dự kiến hoàn thành sau 9 tháng thi công. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị thi công đã “bỏ của chạy lấy người”, công trường đìu hiu, không có một thiết bị hay công nhân nào.
Tương tự, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) được tổ chức khởi công từ tháng 4-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi công, dự án được người dân vui mừng đón nhận vì khi hoàn thành sẽ tháo được nút thắt lưu thông cho cả khu vực nối từ huyện Nhà Bè sang quận 7, cũng như tạo sự liền lạc trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Thế nhưng, vào tháng 9-2022, dự án bị Sở GTVT TPHCM thu hồi giấy phép thi công và tạm đình chỉ thi công vì gây hư hỏng mặt đường.
Xử lý nghiêm
Trở lại với dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống. Đây là một trong các dự án trọng điểm của TPHCM, điểm thuận lợi rất lớn là không phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình dự án được thi công, Sở GTVT TPHCM đã đi kiểm tra và có nhiều văn bản nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, Sở GTVT TPHCM đành bất lực trước sự chây ì của nhà thầu và sự quản lý yếu kém của Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TPHCM. Vì lẽ đó, vừa qua, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao Thanh tra TPHCM thanh tra toàn diện dự án, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thanh tra TPHCM báo cáo kết quả và tham mưu, đề xuất UBND TPHCM giải pháp xử lý để đảm bảo hoàn thành công trình vào tháng 8 năm nay.
Hai dự án khác cũng bị thành phố “điểm mặt” là dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng. Cụ thể, sở này chưa thực hiện đúng chỉ đạo ở nội dung Thông báo 848 ngày 9-12-2022 của Văn phòng UBND TPHCM về tiến độ thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời tái lập hệ thống cấp nước, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ của dự án.
Nhận xét về các dự án ì ạch, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM Hà Ngọc Trường cho rằng, đây là những dự án trọng điểm nhưng thi công quá chậm đã khiến cho xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe, dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế, lãng phí ngân sách, không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn làm mất niềm tin nơi người dân. Vì vậy, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan cần cương quyết xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu thi công ì ạch. “Tôi rất đồng tình với giải pháp xử lý mạnh tay của thành phố, nhưng cũng cần có cơ chế phạt nhà thầu thi công, xử lý nghiêm trách nhiệm những người đứng đầu đơn vị, sở, ngành không hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Hà Ngọc Trường nêu ý kiến.
Hiện trên địa bàn TPHCM còn hàng loạt công trình, dự án cũng rơi vào cảnh dở dang, không chỉ gây khó khăn cho phương tiện lưu thông mà còn làm thiệt hại rất lớn về kinh tế. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; dự án cầu Tăng Long; dự án cầu Nam Lý (cùng ở TP Thủ Đức); dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân)…
Ngoài ra, nhiều dự án khởi công rầm rộ nhưng triển khai thi công rất ì ạch, thậm chí làm cho có chứ chưa xác định được thời gian hoàn thành, cụ thể như dự án đường song hành QL50 nối với tỉnh Long An (đoạn qua huyện Bình Chánh); dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) kết nối trực tiếp Nhà ga T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Mới nhất là dự án nút giao An Phú (cửa ngõ TPHCM nối vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) có tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, rầm rộ khởi công tháng 12-2022, hiện công trường lâm vào cảnh đìu hiu.