Dốc sức cứu hộ - cứu trợ trong trận lũ lịch sử

Trong khi Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh)… còn chưa kịp dọn dẹp xong đống đổ nát thì tại Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng…, hơn vạn người dân đang sống cảnh màn trời chiếu đất, nước lũ trên sông vẫn lên từng giờ, báo cáo số lượng thương vong gia tăng liên tục…

Đoàn Thanh niên xã Thư Phú và CLB Tình nguyện huyện Thường Tín (TP Hà Nội) vượt mưa gió đến trao quà cứu trợ nhân dân vùng lũ Yên Bái và Thái Nguyên, ngày 10-9. Ảnh: PHÚC HẬU
Đoàn Thanh niên xã Thư Phú và CLB Tình nguyện huyện Thường Tín (TP Hà Nội) vượt mưa gió đến trao quà cứu trợ nhân dân vùng lũ Yên Bái và Thái Nguyên, ngày 10-9. Ảnh: PHÚC HẬU

Khắp nơi kêu gọi hỗ trợ

Chiều 10-9, chia sẻ với PV Báo SGGP, chị Nguyễn Quỳnh Hương ở TP Yên Bái thông tin, nước sông Hồng đã dâng lên ở khu vực thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).

Sẩm tối 9-9, sau nhiều nỗ lực, chị Hương đã liên lạc được với anh rể Nguyễn Quang Hưng, được tin ngôi nhà vẫn an toàn, nước ngập mới chỉ mấp mé (chủ yếu ngập sâu ở khu bên dưới).

Nhưng đến trưa 10-9 thì ngôi nhà của anh Hưng và nhiều gia đình khác chìm trong nước lũ. Toàn bộ gia đình phải chạy lên quả đồi sau nhà để chờ cứu hộ.

Theo thông tin mà chị Hương nhận được, trên đồi có 13 người lớn và 4 trẻ nhỏ. Thức ăn chỉ còn vài gói mì tôm. Nhiều người đang đói khát, từng giờ mong gặp được đội cứu hộ để thoát ra ngoài.

Trên mạng xã hội, suốt 2 ngày 9 và 10-9, người dân liên tục đăng tải thông tin xin hỗ trợ và cứu trợ. Không chỉ ở tỉnh Yên Bái mà còn từ tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn…

Chị Trần Thị Hương, anh Trần Việt và nhiều người dân ở TP Yên Bái kêu gọi các nhà hảo tâm, các đội tình nguyện, các nhóm thiện nguyện hãy đến rốn lũ tại các xã Tuy Lộc, Nga Quán, Trấn Yên, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp… để cứu người, tiếp tế thức ăn, nước uống.

K1e.jpg
Cứu hộ một gia đình có trẻ nhỏ bị mắc kẹt trong vùng nước lũ ở Yên Bái

Nhiều người cố gắng lan tỏa thông điệp, chia sẻ các số điện thoại để nhờ cứu hộ hoặc cung cấp thông tin, địa chỉ cần giải cứu, hỗ trợ. Đến chiều 10-9, rất nhiều người dân ở tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang… cũng xin cứu trợ.

Chị Lý Thị Quyên ở TP Bắc Kạn kêu gọi các mạnh thường quân cứu giúp địa phương này. “Hai ngày nay ngập lụt rồi, không thể đi đâu được”, chị Quyên thông tin.

Còn tại tỉnh Yên Bái, đến trưa 10-9, trong tổng số hơn 13.000 ngôi nhà thiệt hại do mưa bão, có tới 10.399 nhà đang bị ngập nước (chủ yếu ở TP Yên Bái).

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân ái

Những hình ảnh đối mặt hiểm nguy được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến người dân ở khắp mọi miền không khỏi xót xa, lo lắng. Khi đối mặt với thiên tai, mất mát, tinh thần đoàn kết và nhân ái của dân tộc lại càng sáng rõ.

Không ai bảo ai, trên khắp các mạng xã hội, mọi người rủ nhau, kêu gọi quyên góp đồ ăn, thức uống, các nhu yếu phẩm, áo phao, thuyền mủng… để mong hỗ trợ sớm cho đồng bào vùng bão lũ.

Từ thủ đô Hà Nội, ngay khi nhận được thông tin hàng ngàn người dân Thái Nguyên đang bị mắc kẹt trong nước lũ, cầm cự từng giờ trên mái nhà, trong 2-3 ngày qua, nhiều chuyến xe chở hàng hóa cứu trợ, các loại nhu yếu phẩm, thiết bị cứu hộ, cứu nạn… của các tổ, nhóm thiện nguyện đã vượt mưa gió và đêm tối, hướng thẳng về phía Thái Nguyên, Yên Bái…

K1f.jpg
Những chiếc xuồng cứu hộ đã được đưa tới vùng lũ Yên Bái ngày 10-9

Tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nhiều thành viên trong nhóm “Chùa Hương” đã gom được 3 xe tải chở những con đò sắt (thường dùng chở khách đi lễ chùa) để đưa đến trung tâm Thái Nguyên cứu trợ vùng lũ.

Nhiều người còn tình nguyện đi theo xe để làm lái đò, tham gia công tác cứu nạn. Còn tại Khu đô thị Ecopark (Hà Nội), cư dân ở đây đã huy động các loại đèn pin, thực phẩm, áo phao… nhanh chóng lên đường. Nhiều người sẵn sàng đóng góp chuyến xe chở hàng cứu trợ miễn phí.

Ngày 10-9, trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng tiếp tục kêu gọi thành viên hỗ trợ hoặc tự đóng góp các loại thuyền, vật phẩm để tiếp tục cứu trợ đồng bào hoạn nạn trong tâm lũ. Nhiều người đề nghị chia tổ nhóm tỏa đi nhiều hướng.

Chị Nguyễn Hiền, nhân viên của một công ty ở TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), kể: “Hôm qua, văn phòng chúng tôi đã cử một đoàn đến TP Thái Nguyên. Hôm nay tiếp tục lập một đoàn nữa đến TP Yên Bái. Ai có gì đóng góp nấy, cố gắng giúp đồng bào vượt qua đợt hoạn nạn này”.

Còn chị Đỗ Thu Hà chia sẻ trên mạng xã hội: “Nhìn những chuyến xe thiện nguyện, những con đò nhỏ gửi đến tận vùng lũ lụt, tôi không cầm nổi nước mắt”.

Không chỉ từ Hà Nội, nhiều nhóm từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hiện nay cũng đang tích cực tham gia, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân bị lũ lụt ở miền Bắc.

Ngoài đóng góp bằng tiền mặt và hiện vật, nhiều nhà hảo tâm, các nghệ sĩ, người nổi tiếng còn chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động từ thiện và công tác cứu trợ, cứu nạn sao cho thiết thực. Hàng hóa cứu trợ được gửi đi cần xác định những nhu cầu cấp thiết, tránh gửi những vật phẩm không cần thiết.

Đồng thời, không nên vào sâu trong khu vực bị lũ lớn nếu không có chuyên môn, cần thông qua lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn và hiệu quả công tác cứu trợ.

Khi kêu gọi ủng hộ, nên công khai sao kê ngân hàng, hóa đơn và các tài liệu liên quan để đảm bảo minh bạch, giữ niềm tin của cộng đồng.

K3c.jpg
Bộ đội hỗ trợ người dân huyện Ba Vì (TP Hà Nội) thu hoạch lúa ở những khu vực bị ngập lụt

Chỉ tính riêng trong vòng 1 giờ (từ 9 giờ đến 10 giờ) sáng 10-9, phóng viên Báo SGGP ghi nhận có 7 đoàn xe thiện nguyện từ Hà Nội và các địa phương lân cận tiếp cận chốt Tân Long để cung cấp đồ tiếp tế cho người dân đang bị ngập sâu trong nội đô TP Thái Nguyên.

Trong khi đó, thôn Đồng Danh thuộc phường Tân Long có khoảng 256 hộ dân, thì hơn 2/3 hộ dân bị nước cô lập, có nơi bị ngập sâu đến 2m, người dân phải bơi ra ngoài chốt Tân Long để nhờ trợ giúp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (trưởng thôn Đồng Danh) kể: “Bắt đầu từ tối 8-9, nước dâng nhanh khiến toàn bộ người dân trong thôn không kịp xoay sở. Đến 10 giờ sáng 10-9, vẫn còn khoảng 100 người dân đang bị cô lập và cần trợ giúp về thực phẩm, nước uống...

Vừa loay hoay chia thực phẩm, sữa, nước… ra các túi ni lông nhỏ để chuyển đến người dân khu vực nội đô TP Thái Nguyên đang bị nước sâu cô lập, chị Nguyễn Thị Thành (thành viên Hội cha mẹ nhân ái ở Hà Nội) cho biết: “Hội chúng tôi với 6 thành viên đã có mặt ở chốt Tân Long từ chiều tối 9-9 để phối hợp với chính quyền phường Tân Long cùng người dân khu vực không bị ảnh hưởng cứu trợ cho người dân trong khu vực nội đô. Chúng tôi đã vận động được 100 áo phao, 9 thùng lương khô, nước uống, sữa, đèn pin, tiền mặt (30 triệu đồng), sạc dự phòng… để chuyển đến người dân đang cần".

Tin cùng chuyên mục