Những ngày qua, nhiều quyết định, chính sách được ban hành và triển khai nhanh chóng, từ việc thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh đến việc thành lập các trung tâm điều phối xét nghiệm; thông tin, phân tích dữ liệu; mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời; điều phối tổ chức tiêm vaccine Covid-19; tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch Covid-19… hay những quy định, chỉ thị nhằm thắt chặt hơn công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Những ngày TPHCM mới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc Covid-19 hàng ngày liên tiếp có chiều hướng gia tăng, ban đầu TP đã có những lúng túng với những hạn chế từ khâu tổ chức cách ly, tiêm phòng tới việc đảm bảo cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân TP. Tuy nhiên, những hạn chế ấy đã được rút kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp khắc phục với mục tiêu cao nhất là tập trung cao độ để dập “đám cháy” mang tên Covid-19 đang lan rộng trong cộng đồng. Những ngày giãn cách là những ngày thực sự khó khăn với người dân và các cấp chính quyền. Để động viên người dân, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cùng chung ý chí “chống dịch như chống giặc” với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”.
Theo người đứng đầu TPHCM, sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dù rất cố gắng nhưng TPHCM vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản giảm F0 và phải thực hiện thêm kịch bản tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Trên cơ sở Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM ban hành Công văn 2468 và Công văn 2490 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chưa có tiền lệ; yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình như thực hiện nghiêm “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Từ ngày 26-7, người dân tuyệt đối không được ra đường sau 18 giờ, tạm dừng tất cả các hoạt động trên toàn địa bàn TPHCM đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp như: cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TPHCM (bao gồm cả công tác phát hành báo); công nhân vệ sinh môi trường, xử lý sự cố, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TPHCM. Động thái này được ban bố khi thực tế vẫn còn nhiều người đi trên đường dù TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định rằng, việc này cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, nếu không dừng lại, tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc TP phải áp dụng những giải pháp mạnh nhất, cao nhất và sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Nhiều người dân đồng tình và ủng hộ chủ trương của TP, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ thành quả công tác phòng chống dịch trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp. 16 ngày qua, TPHCM mất nhiều thời gian, công sức để khoanh vùng, truy vết, tầm soát, xét nghiệm, dập dịch hơn gấp nhiều lần so với các biến chủng trước đây. Nhận xét 16 ngày qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định rằng, TP đã làm được rất nhiều việc, cứu được rất nhiều người, tuy nhiên còn nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên kêu gọi đồng bào TPHCM cùng đoàn kết, chung sức, quyết tâm thực hiện triệt để và hiệu quả các yêu cầu trên để đưa TPHCM sớm trở lại hoạt động bình thường mới. TPHCM cũng cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để chia sẻ, hỗ trợ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của bà con để cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch.
Sức mạnh lớn nhất của người Việt là sức mạnh đoàn kết, điều này đã được chứng minh, đúc kết qua lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc và cũng đã được chứng minh qua cách chúng ta vượt qua 3 đợt dịch Covid-19 trước đó. Khi mà số người mắc Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, trách nhiệm của mỗi công dân là hãy sống với những suy nghĩ tích cực để đầy lùi dịch bệnh. Dù làm gì thì đừng quên những lời khuyên của ngành y tế và cập nhật thông tin từ các nguồn tin chính thống, luôn ý thức để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hơn hết lúc này, mỗi người dân cần có sự đồng thuận, lan tỏa những điều tốt đẹp, lòng nhân ái, sự sẻ chia; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người và tin tưởng vào chiến lược chống dịch của thành phố.