Đọc sách Sài Gòn - TPHCM xưa và nay

Đọc sách Sài Gòn - TPHCM xưa và nay

Có thể nói, so với mọi năm, năm nay đời sống văn hóa đọc của TPHCM có nhiều thay đổi. Cũng với sự xuất hiện của Đường sách TPHCM và Đường sách Xuân, nhu cầu tìm sách đọc cũng tăng lên và để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều đầu sách cũng được giới thiệu trong dịp xuân này.

Đọc sách Sài Gòn - TPHCM xưa và nay ảnh 1

 Sách về thành phố

Trên các diễn đàn về sách, rất nhiều bạn đọc đang truyền nhau một thú vui mới dành cho những ngày xuân năm nay. Đó là ngồi ở đường sách, có thể là Đường sách Nguyễn Văn Bình hay Đường sách Xuân cạnh Đường hoa Nguyễn Huệ và đọc những cuốn sách viết về TPHCM. Đó sẽ là một cảm giác vô cùng đặc biệt khi thi thoảng có thể rời mắt khỏi trang sách để nhìn lên, ngắm chính những hình ảnh hay những không gian mà sách đang nhắc đến. Tuy được đánh giá là chưa so sánh được về số lượng tác phẩm viết về các thành phố khác như Hà Nội hay Huế, nhưng sách viết về TPHCM lại có tính mới lạ, hầu hết mới được xuất bản trong khoảng một năm trở lại đây, có cuốn thậm chí vừa ra mắt chỉ hơn một tuần trước tết.

Có thể chia sách viết về TPHCM thành hai dòng chính, đó là sách hồi ức viết về TPHCM khi còn gọi có tên gọi Sài Gòn và dòng sách viết về TPHCM hiện nay. Tiêu biểu cho dòng sách viết về Sài Gòn ngày xưa, có thể kể đến những tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa như Mùa hè năm Petrus tái hiện thành phố ở dưới một phạm vi nhỏ hay Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy viết về một thành phố dưới con mắt của những đứa trẻ cùng trí nhớ của một người đã ở cái tuổi nhiều hoài niệm. Cũng trong dòng sách này, có một số tác phẩm tuy không hẳn là mới nhưng cũng mang đến nhiều kỷ niệm xưa như Sài Gòn - Chuyện đời của phố của tác giả Phạm Công Luận.

 Đây là một tác phẩm pha trộn giữa sự khảo cứu văn hóa với lối viết tản văn gây ấn tượng mạnh với người đọc. Hay như tác phẩm Sài Gòn - Mai gọi nhau bằng cưng của cô giáo Hạ Dung đưa người đọc đến với những hình ảnh mà chỉ riêng những ai từng sống lâu năm ở thành phố mới có thể nhớ đến. Và nếu muốn tiếp tục tìm hiểu về thành phố của một thời, trên kệ sách có những tác phẩm đáng chú ý khác như Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi của tác giả Hiền Hòa, thể hiện qua hình ảnh và cuộc sống của các nhân vật tiêu biểu hay như tác phẩm Sài Gòn vẫn hát (Mạc Thụy và UBee Hoàng) kể về văn nghệ Sài Gòn, trải dài từ những ngày xưa cũ đến tận nay, hoặc Sài Gòn bao nhớ của Đàm Hà Phú tái hiện một thành phố đời thường nhất...

Nếu người lớn tuổi hoài niệm về quá khứ của họ thì người trẻ lại thích thành phố của hiện tại và tương lai. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em của tác giả trẻ Anh Khang. Tác phẩm miêu tả hành trình của một người trẻ ở thành phố mơ mộng đi xa, đi nhiều nhưng chính từ những chuyến đi mới hiểu được những giá trị của thành phố mình đang sống để từ đó yêu hơn, nhớ hơn. Có một chi tiết là nếu những tác giả lớn tuổi thường có xu hướng nhớ về những kỷ niệm đẹp thì người trẻ lại mạnh mẽ nhìn vào thực tế như Khóc giữa Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Thạch, Túi của Trần Huy Minh Phương… đều tái hiện một thành phố đầy chân thực với những hạnh phúc, niềm vui cùng những gian nan vất vả của người trẻ rời làng quê lên TP mưu sinh.

Sách xưa

Nhắc đến Nguyễn Bính bạn đọc nhớ đến một thi sĩ đầy tài năng nhưng ít ai biết ông còn là một nhà văn. Ngày xuân năm nay, một trong những tiểu thuyết hiếm hoi của ông đã được ra mắt bạn đọc. Với nhan đề Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, tác phẩm xoay quanh hai người bạn, hai thi sĩ thất tình vì không tìm được người con gái nào ưng ý, tình yêu nào sâu sắc, đẹp đẽ, trọn vẹn. Với thi sĩ Điệp, đó là sự thất hứa của một nữ sĩ trên sông Thương chỉ vì chàng nghèo, không biện đủ sính lễ cưới xin theo thách cưới của bên nhà gái. Với Tuấn, đó là mối tình bất thành với người con gái yêu hoa tigôn. Và để tìm cho tâm hồn một lối thoát, hai chàng thi sĩ quyết định yêu một người con gái đã chết và tưởng tượng ra những nét đẹp của nàng.

Một chi tiết đáng chú ý là cả hai nhân vật chính đều được tác giả xây dựng dựa trên những nhân vật có thật như chàng thi sĩ Điệp mang nhiều hình ảnh của Nguyễn Bính, còn Tuấn được hiểu là Nguyễn Tuấn Trình, tức nhà thơ  Thâm Tâm. Ngoài đời thực, Nguyễn Bính và Thâm Tâm là hai người bạn rất thân. Bên cạnh đó, còn có hai thi sĩ khác trong câu chuyện thì thi sĩ Trần là Trần Huyền Trân và thi sĩ Quang là Phạm Quang Hòa của bút nhóm Bắc Hà. Vì thế, dễ thấy tiểu thuyết mang nhiều tính tự sự của chính tác giả về tình bạn, tình yêu, cũng như về thời đại mà ông đang sống. Tác phẩm được tái bản vào tháng 1-2016 dựa trên ấn bản năm 1940 của NXB Lăng Tuyết.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục