Từ 300 gia đình tham gia gửi bài, ban tổ chức đã chọn ra 10 gia đình xuất sắc để trao giải. Hội thi chính là dịp để tôn vinh, khơi gợi tình yêu đọc sách trong mỗi gia đình, một nét đẹp đang có nguy cơ mai một trước tác động của công nghệ hiện nay.
Những cuốn sách kỷ niệm
Hội thi được phát động từ tháng 4 với 2 vòng thi. Ở vòng 1, ngoài chụp một hoặc nhiều bức ảnh về cuốn sách yêu thích, các gia đình còn gửi bài viết chia sẻ theo các gợi ý: một kỷ niệm với việc đọc sách; một địa điểm đọc sách yêu thích; những tác dụng tích cực của việc đọc sách đối với gia đình bạn; quyển sách yêu thích nhất hoặc ấn tượng nhất. Sang vòng 2, các gia đình sẽ được hướng dẫn để cùng nhau thực hiện một cuốn sách ảnh ghi lại những khoảnh khắc đọc sách của gia đình hay những địa điểm được nhắc đến trong các cuốn sách viết về Sài Gòn - TPHCM.
Vòng 1, những bài viết gửi về ban tổ chức có nhiều câu chuyện, kỷ niệm đẹp và xúc động. Sách hiện diện như một sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Toàn (phường Linh Đông, quận Thủ Đức - giải khuyến khích), ngày về nhà chồng (cách nhà 200m), đồ vật giá trị nhất mà chị mang theo là một kệ sách nhỏ được tích cóp từ bé cho đến khi đi làm. Chính vì vậy, lúc những đứa con ra đời, chị Toàn không khó khăn để truyền tình yêu đọc sách cho con.
Cuốn sách gắn liền với các thành viên trong gia đình chị Toàn là Chuyến phiêu lưu kỳ thú của Thỏ Eward Tulane. “Quyển sách không dành riêng cho trẻ em, phía sau hành trình tìm về vòng tay của cô chủ nhỏ đã yêu thương chú thỏ xinh đẹp một cách vô điều kiện là lời thì thầm nhắn nhủ sâu sắc rằng, mỗi con người ai cũng sẽ trải qua gian nan, vui buồn trong cuộc sống trong suốt hành trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Có những khi ta tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng tình yêu thương sẽ nâng đỡ ta đứng dậy, sưởi ấm tâm hồn ta, giúp ta biết đau với nỗi đau của người khác, vui với những hạnh phúc bình dị. Và tình yêu là sợi dây liên kết giúp ta tìm về với nhau”.
Còn cuốn sách được mẹ con chị Trần Thị Huyền (phường 14, quận Bình Thạnh - giải nhất) chia sẻ cùng nhau trước mỗi giờ đi ngủ là Tâm hồn cao thượng của nhà văn hào Italy Edmondo De Amicis. Chị Huyền kể: “Đọc và áp dụng Tâm hồn cao thượng, mẹ con tôi ý thức được rất nhiều về việc rèn luyện đạo đức và nhân cách của một con người, về lòng hiếu thảo, tình thầy trò, tình bạn và bổn phận của một công dân trong xã hội. Muốn có một xã hội cao thượng trước hết phải có những con người cao thượng! Chúng ta phải làm sao để có thể gieo trồng và phát triển được những tâm hồn cao thượng ấy”.
Trong khi đó, Sài Gòn - Chuyện đời của phố của nhà văn Phạm Công Luận là cuốn sách yêu thích của gia đình anh Võ Minh Luân (phường Tân Quý, quận Tân Phú - giải khuyến khích). Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn là cuốn sách của gia đình anh Tạ Văn Lê (phường 4, quận Phú Nhuận - giải ba); Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi mà vui sống đều của Dale Canrnegie, là những cuốn sách gắn bó với gia đình chị Trương Thị Mỹ Dung (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ - giải nhì)…
Tạo thói quen đọc sách từ gia đình
Đồng giải nhất trong hội thi “Gia đình đọc sách” lần 1 là gia đình của chị Phạm Thị Thanh Loan (phường An Lạc, quận Bình Tân). Vốn là giáo viên mầm non, trăn trở lớn nhất của chị là: “Thông qua cuốn sách của mình, tôi muốn thể hiện và chia sẻ tới mọi người, việc đọc sách là việc làm gắn kết các thành viên trong gia đình. Mong rằng, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian cho con cái của mình. Đó là điều quan trọng nhất”.
Chị Thanh Loan nói thêm: “Có một câu nói mà tôi rất thích: Khi chúng ta trân trọng điều gì thì điều đó sẽ phát triển. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta trân trọng, coi việc tạo thói quen đọc sách của con, chắc chắn việc đó sẽ được phát triển trong gia đình. Để tạo được thói quen đọc sách cho con, không phải là việc quá khó, điều quan trọng là ba mẹ có muốn làm điều đó hay không”.
Theo chị Nguyễn Như Trang, Trưởng phòng Mạng lưới, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, công nghệ đã và đang tác động không nhỏ đến việc đọc ngày hôm nay. Tuy nhiên, chị Như Trang cho rằng, chúng ta không nên phản đối gay gắt mà cần dung hòa để đảm bảo được mục tiêu cuối cùng là tiếp nhận kiến thức từ sách. Bởi vì việc đọc bây giờ không hẳn chỉ là đọc sách giấy như trước, mà có thể đọc qua một số phương tiện khác như điện thoại, iPad...
Để tạo thói quen đọc sách, theo chị Như Trang, yếu tố gia đình giữ vai trò quan trọng nhất. “Việc đọc sách phải được hình hành ngay trong gia đình. Các em phải nhìn thấy ba mẹ mình đọc sách thì mới hình thành được thói quen sau này. Tuy nhiên, hiện nay thời gian dành cho công việc, cho mạng xã hội nhiều quá, khiến nhiều phụ huynh quên đi thời gian trò chuyện, đọc sách cùng con; không thấy được đó là những phút giây tuyệt nhất để cho con có một thói quen, để hiểu con và gắn kết tình cảm trong gia đình”.
“Chúng ta đã có phong trào Tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng, hay những cuộc thi như “Kể chuyện theo sách”, thì nay có thêm hoạt động mới là cuộc thi “Gia đình đọc sách”. Chúng tôi rất phấn khởi và nghĩ rằng, đây sẽ là cuộc thi truyền thống của Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, qua đó vinh danh những gia đình, những nơi có thói quen đọc sách và đã hình thành được văn hóa đọc từ trong gia đình của mình. Từ đó, có thể triển khai rộng ra ngoài xã hội, làm sao để tạo thói quen đọc sách cho người dân TPHCM, theo Quyết định 329 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, cho biết. |