Theo các nghệ nhân, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo. Hàng năm, thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”.
Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các địa phương lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi tết đến, xuân về.
Người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre cộng với sức sáng tạo phong phú đã tạo nên những bông lùng, hoa tre hay còn gọi là hoa đũa và nhuộm màu ngũ sắc.
Bông lùng, hoa tre cũng chỉ dùng cho việc thờ cúng, dần dà phát triển nghề làm hoa giấy. Đặc biệt, với đầu óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, người dân làng Thanh Tiên đã mô phỏng và tạo ra các các loại hoa có ở tự nhiên như: Hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.
Những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu khoe sắc không chỉ tô điểm thêm cho mùa xuân Giáp Thìn giữa đất trời xứ Huế mà còn trở thành điểm đến của các tour du lịch, thu hút rất đông người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm công việc làm hoa truyền thống của người dân ngôi làng này. Đó là cơ hội để người dân làng Thanh Tiên tự hào, nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.
>>> Một số hình ảnh giới trẻ và du khách tham quan, trải nghiệm công việc làm hoa truyền thống làng hoa giấy Thanh Tiên