Viết về người lính, đó là mảng đề tài hầu như xuyên suốt trong các sáng tác của Châu La Việt. Điều đó cũng không có gì lạ. Những nhà văn, nhà thơ đã từng kinh qua chiến tranh, đã từng vừa cầm bút, vừa cầm súng thế hệ các ông có ai không viết về người lính, đời lính với biết bao kỷ niệm của một thời bi tráng, hào hùng.
Từ Những tầng cây săng lẻ đến Mai, Pi, Muôn và gần đây nhất là Trăng huyền ảo là sự thăng hoa của hiện tại và ký ức tuyệt vời. Ở thời điểm nào cũng vậy, văn chương Châu La Việt luôn toát lên chất hiện thực sống động không cần tô vẽ vẫn hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc, dẫu ông cho rằng, “nó” (văn của ông) cũng khô khan như chính con người tác giả.
Tôi đến với các sáng tác của Châu La Việt một cách rất tình cờ, từ những trang viết tản mạn đâu đó của ông được bạn bè chia sẻ. Rồi cũng rất bất ngờ, tôi nhận được Giai điệu mùa đông, cuốn sách mới nhất vừa được ông cho ra mắt độc giả trong nửa đầu năm nay. Một cuốn ký sự chân dung các nghệ sĩ mà ông yêu quý.
Với gần 30 bài viết, mỗi bài giống như một khuông nhạc mà ở đó những nốt nhạc trầm bổng vang lên, hợp thành một tổ khúc thấm đẫm chất trữ tình mang tên Giai điệu mùa đông. Ở Giai điệu mùa đông, độc giả sẽ gặp lại một Phạm Tiến Duật phóng khoáng, mộng mơ - cánh chim đại bàng của Trường Sơn thời chống Mỹ. Một Phạm Tiến Duật thần tượng của cả một thế hệ lính trẻ, trong đó có tác giả, một “niềm tự hào của đất nước”, vậy mà trong con mắt người mẹ thượng du vẫn chỉ là đứa “có lớn mà sợ chẳng có khôn”. Cái lo lắng của bà mẹ, chất hồn nhiên của nhà thơ Phạm Tiến Duật được tác giả ghi lại ấn tượng như vậy đấy.
Một Quang Lý với nghệ danh đầy chất ân tình. Một Trần Tiến tài hoa “vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sĩ hát lên những dòng thơ ấy bằng nhịp phách, bằng giai điệu, rồi lại vừa bằng chính vòm ngực, cổ họng của mình - người ca sĩ để hát lên, để chuyển tải nó đến với rừng với suối, với non cao biển rộng và với những trái tim con người”.
Và còn nữa chân dung các nhà văn, nhà thơ, những ca sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, đạo diễn khác: Y Phương, Xuân Quỳnh, Lê Dung, Đỗ Chu, Tất Bình, Nguyễn Tài Tuệ, Tân Nhân… Trong mỗi bức chân dung của họ, nhà văn Châu La Việt bao giờ cũng khéo léo nhấn một nét bút đậm đà và sắc sảo vào một chi tiết tưởng chừng đơn giản mà gây nhiều xúc động.
Quả thực, khi đọc Giai điệu mùa đông, trừ một số chi tiết hài hước kiểu nhà lính, còn lại, âm hưởng của nó khá trầm lắng, đúng chất “mùa đông”. Có cái gì đó như se sắt, như gợi buồn trong ánh lửa bập bùng của tình người, tình đồng chí đồng đội, tình nghệ sĩ và tình yêu máu thịt.
Bằng chất văn thật giản dị, không chút làm màu mà vẫn lôi cuốn bạn đọc, tác phẩm thực sự là những trang viết gan ruột chắt ra từ trái tim của một người nghệ sĩ có bề dày trong công việc sáng tạo nghệ thuật, có vốn sống phong phú và lối sống quảng giao, phóng khoáng.