
An Giang vừa có biên giới, có đồng bằng, có đồi núi chập chùng nên chợ búa cũng có nhiều sắc thái riêng.
Từ ngày nông thôn phát triển, chợ mọc lên như nấm, từ chợ biên giới, chợ quê, chợ đồng, chợ trên sông, chợ di động đến chợ theo mùa xuất hiện một, hai tháng rồi biến mất, hẹn sang năm. Các loại hình chợ phong phú, phản ảnh nhu cầu trao đổi hàng hóa. Thí dụ, vài mươi năm trước Châu Đốc có chợ chuyên bán trâu bò, mỗi tháng họp hai lần, dần dần, chăn nuôi phát triển, tự động chợ giải tán để lại ký ức khó phai (gần đây có người đề nghị mở lại chợ chuyên bán súc vật).

Chợ nổi trên sông. Ảnh: T.L.
Trên đỉnh núi Cấm cao 900m, có chợ mây vì quanh năm, sáng chiều chìm trong làn mây mù. Lúc trước, trên núi chỉ có vài chục dân thưa thớt sống với nghề rẫy bái. Sau ngày giải phóng du khách tìm lên núi ngày càng nhiều người, dân số theo đó tăng lên thành một ấp gần ngàn người. Thế là chợ ra đời để phục vụ khách. Tưởng lên cao buồn, ai ngờ càng lên cao càng vui. Dọc con đường hầu như nhà nào cũng bán thứ gì đó, nhất là các loại cây cỏ làm thuốc. Chợ nằm giữa hẻm núi, chỉ có mấy chục hộ mua bán mà đủ các loại hàng hóa.
Rất nhiều cụ già không bước chân xuống núi vì sống trên núi mà thứ gì cũng có, phục vụ cho giới ăn chay lẫn ăn mặn. Tính ra, chai bia chỉ mắc hơn dưới đồng bằng một ngàn đồng. Thú vị hơn, buổi chiều sương bao trùm núi đồi, đêm xuống mịt mùng rền tiếng ve kêu. Đứng bên ngoài gió lạnh thổi vùn vụt, bước vô chợ lập tức ấm áp lên. Đèn trong chợ sáng trưng, mướn chiếc võng nằm đu đưa nhấm nháp cà phê hoặc uống bia xem phim hay hát karaoke thấy đời đầy ý vị.
Ngoài ra còn có chợ đồng của các xã ở nông thôn, vùng sâu trong khu Tứ giác Long Xuyên. Gọi chợ đồng vì cánh đồng rộng lớn lại thêm tính chất không tiền có thể mua ghi sổ đến mùa bán lúa trả. Ở đây tồn tại tâm lý mua bán hay quy đổi ra lúa, một cái quần Jean bao nhiêu giạ lúa chẳng hạn. Dân quê đi chợ mộc mạc, chất phác, có thể ngồi giữa chợ kêu tô cháo lòng, dĩa bánh xèo, thêm ly rượu gạo sẽ thấy cuộc đời dậy hương, cảm nhận cả một vùng đồng rộng ngút ngàn như ngấm vào người. Nhờ phương thức bán đến mùa đong lúa trả, các chợ đồng như giữ thăng bằng cuộc sống, bộ mặt vùng sâu từ từ vui lên.
Sở dĩ có chợ trên sông vì ở xứ sông rạch dọc ngang, ghe xuồng có thể len lỏi đến tận rẫy bái xa xôi mà xe cộ không thể tới được. Ai muốn bán món gì thì lấy món hàng đó treo lủng lẳng trên cây sào để chào hàng. Người lấy sông nước làm nhà như quen đời sống lênh đênh không muốn lên bờ, ghe xuồng họp nhau thành một cái ấp nổi trên mặt nước, bắt được nhu cầu thế là có thêm những chiếc xuồng thịt cá, cà phê, chè cháo, cứ ngồi trên ghe mà ăn uống vui vẻ.
Hai ngôi chợ nổi cặp sát chợ Long Xuyên, chợ Châu Đốc có cả ghe mở tiệm may, ghe hát karaoke, tất nhiên có cả loại đò xuôi sông Hậu (kiểu đò sông Hương), để rồi phát sinh ra chợ di động. Ghe bán tạp hóa kết hợp với xuồng bán rau cải, cá thịt, xuồng bán chè cháo, xu xa, bánh lọt làm thành một đoàn nổi trôi. Nếu như ở chợ đồng không tiền có thể ghi sổ đến mùa đong lúa trả thì ở đây, các ghe hàng trên sông cho đổi gạo. Ai không có tiền có thể mang gạo hoặc gà vịt xuống đổi hàng hóa, thuận tiện cho hai bên lại vừa gieo tình cảm.
Dọc theo ngả đường quê dẫn về các cánh đồng lớn thường bắt gặp đâu đó loại chợ theo mùa. Tới mùa, dân các nơi mang theo lờ lợp, liềm hái, nóp, càng ràng kéo tới làm ăn. Bến sông hàng ngày vắng vẻ vụt trở thành bến đò, bến xe nhộn nhịp. Hàng hóa cũng tự nhiên mọc ra bán cho người vô đồng và mua lại cá, khô, mắm, chim, chuột của người từ đồng đi ra. Xong mùa lúa, bến đò buồn hiu trở lại gương mặt cũ.
Hình như khi chơi xa, chợ là một trong mục tiêu tìm đến để tìm hiểu đời sống địa phương và mua hàng đặc sản. Mỗi chợ như luôn chứa đựng những bất ngờ thú vị.
NGÔ KHẮC TÀI